LỜI NÓI ĐẦU
Vào năm 2005, khi phát hiện rằng tôi không thể nào tìm được một nhà xuất bản cho The Blackhouse (tạm dịch Ngôi Nhà Đen), hoặc cho quyển truyện đầu tiên trong loạt truyện Enzo của mình, Extraordinary People (tạm dịch Người Phi Thường), tôi đã bắt đầu nghiên cứu về một quyển tiểu thuyết trinh thám lấy bối cảnh là trận đại dịch cúm gia cầm.
Vào lúc bấy giờ, các nhà khoa học đã dự đoán rằng cúm gia cầm, hay H5N1, có nhiều khả năng trở thành trận đại dịch kế tiếp. Trận dịch Tây Ban Nha năm 1918 đã giết chết ở nhiều nơi trên khắp thế giới khoảng từ hai mươi đến năm mươi triệu người, và cúm gia cầm – với tỉ lệ tử vong khoảng sáu mươi phần trăm hay cao hơn – đã được dự báo vào lúc ấy là sẽ vượt qua con số trên với một khoảng cách đáng kể.
Đã tìm hiểu kỹ về cúm Tây Ban Nha trong lúc viết Snakehead(tạm dịch Cá lóc), một đầu sách trong loạt truyện trinh thám lấy bối cảnh Trung Quốc của tôi, cúm là một chủ đề tôi đã thành thạo. Nhưng sự thành thạo đó chẳng chuẩn bị cho tôi điều gì từ những tìm hiểu của tôi liên quan đến H5N1, cũng như những nỗi kinh hoàng mà một trận đại dịch cúm gia cầm có thể bộc phát trên thế giới. Tôi bắt đầu nghiên cứu cẩn thận về những hỗn loạn mà nó sẽ có thể gây ra, và xã hội như ta đang thấy có thể bị tan rã nhanh chóng đến mức nào. Tôi chọn London làm bối cảnh cho truyện của mình, nơi bắt đầu bùng phát cơn đại dịch, một thành phố bị phong tỏa hoàn toàn. Trên nền của bối cảnh đó, những mẩu xương của một đứa trẻ bị sát hại đã được phát hiện tại một công trường nơi các công nhân đang hối hả xây dựng một bệnh viện dã chiến. Viên thám tử (quen thuộc) của tôi, Jack MacNeil, được yêu cầu điều tra, ngay cả khi chính gia đình anh ta đã bị nhiễm virus.
Suốt sáu tuần lễ ngắn ngủi miệt mài làm việc cả đêm, tôi đã viết xong quyển Phong tỏa. Quyển sách không hề được xuất bản. Các biên tập viên Anh Quốc trong thời điểm đó nghĩ rằng những điều mô tả của tôi về thành phố London bị vây hãm bởi kẻ thù vô hình H5N1 là không thực tế và chẳng bao giờ có thể xảy ra – bất kể thực tế là tất cả những nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng điều đó hoàn toàn có thể. Thế rồi một nhà xuất bản Hoa Kỳ mua loạt truyện Enzo, và những truyện trinh thám về Trung Quốc của tôi lần đầu tiên được xuất bản ở Hợp chủng quốc. Sự tập trung của tôi chuyển sang bờ bên kia Đại Tây Dương, Phong tỏa đã được ký thác vào một thư mục trong tài khoản dịch vụ lưu trữ trực tuyến Dropbox của tôi, nơi tác phẩm vẫn còn đấy, đến tận bấy giờ.
Khi viết những dòng chữ này, tôi đang ngồi bó gối tại nhà ở Pháp, bị cấm ra khỏi nhà trừ những trường hợp đặc biệt. Một con coronavirus mới, Covid-19, đang tàn phá thế giới này, và xã hội như ta biết đang nhanh chóng thay đổi. Ngay cả với một tỷ lệ tử vong chỉ là một phần của cúm gia cầm, các chính trị gia đang phải chiến đấu để kiểm soát sự hỗn loạn và sự hoảng hốt mà Covid-19 đang truyền đi trên toàn thế giới. Sự tương đồng với Phong tỏa thật đáng sợ. Vì vậy dường như đây là dịp mở lại thư mục Dropbox đầy bụi bặm và khai thác bản thảo cũ kỹ kia để chia sẻ với bạn đọc của tôi – dù chỉ để khiến tất cả chúng ta nhận ra thực sự mọi chuyện có thể tồi tệ đến mức nào.
Peter May
Pháp, 2020
Phong tỏa (tựa tiếng Anh: Lockdown) – tiểu thuyết vừa ra mắt bạn đọc VN của nhà văn trinh thám nổi tiếng Peter May. Cuốn sách không chỉ hấp dẫn bởi sự hồi hộp, phức tạp, nghẹt thở, mà còn ‘nóng’ bởi sự tương đồng đáng ngạc nhiên với câu chuyện dịch bệnh của thế kỷ.
Hai chữ Phong tỏa có lẽ là từ khóa được quan tâm nhiều nhất trong hơn 1 năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện từ Vũ Hán (Trung Quốc) và sau đó liên tiếp là những thành phố, những đất nước, những châu lục, cả thế giới xáo trộn, chia cắt, giãn cách, phong tỏa bởi Coronavirus. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là cuốn sách này được tác giả – nhà báo, biên kịch truyền hình, tiểu thuyết gia Peter May (sinh năm 1951 tại Glasgow, Scotland) viết nên từ năm 2005.
Khởi nguồn từ hiện thực lúc bấy giờ là dịch cúm gia cầm, H5N1, có khả năng trở thành đại dịch, Peter May đã viết cuốn tiểu thuyết Phong tỏa (Lockdown) trong 6 tuần lễ, lấy London làm bối cảnh câu chuyện, nơi dịch bùng phát và thành phố bị phong tỏa hoàn toàn. Một bệnh viện dã chiến được hối hả xây dựng, và các công nhân phát hiện ra chiếc ba lô đựng xương người trước khi họ đổ bê tông lấp đầy nó như chôn vùi “giúp” một bí mật khủng khiếp. Cuộc điều tra được mở ra với viên thám tử MacNeil.
Câu chuyện diễn tiến đầy hồi hộp, khi MacNeil cùng những cộng sự của anh, trong đó có Amy – nhà nhân chủng học tài giỏi bị khuyết tật sau một tai nạn giao thông, cũng là người tình của MacNeil; và sau này là bà Tiến sĩ Castelli, cùng đi sâu tìm hiểu vụ án. MacNeil cũng chính là nạn nhân khi con trai anh bị dịch cúm cướp mất sinh mạng. Amy đã dựng lên từ bộ xương chân dung bé gái Choy người Trung Quốc bị sát hại; trong khi cuộc điều tra liên tục bị theo dõi bởi Pinker, một tay thiện xạ, một kẻ bệnh hoạn, tay sai của những thế lực trong bóng tối…
“Cơn bệnh diễn tiến thật nhanh thành ra một tình trạng suy giảm chức năng hô hấp với sự tiến triển không thể thay đổi được, được gọi là Adult, hay Hội chứng Suy giảm Hô hấp cấp tính”, “Bên kia căn phòng có tiếng hắt hơi khiến tất cả những cái đầu đều hướng về phía Zoe. Trong những ngày này, mọi người đều quá nhạy cảm ngay cả với tiếng sụt sịt nhẹ nhất”, “Chắc chắn một trăm phần trăm rằng đứa bé đã bị nhiễm một thứ vi-rút được biến đổi gien mạnh mẽ nhất”… Những câu văn trong Phong tỏa không khỏi khiến người đọc liên tưởng, rùng mình vì quá tương đồng với hiện thực chúng ta đang sống, khi cả thế giới đang phải gồng mình chống chọi với dịch Covid-19.
Những nút thắt của câu chuyện dịch bệnh, trong đó có đan cài câu chuyện tình yêu của viên thanh tra với nữ nhân chủng học Amy được nhà văn đưa ra và giải quyết bằng sự tháo gỡ tài tình là điểm cuốn hút của tác phẩm. Peter May nổi danh là tiểu thuyết gia trinh thám với các tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng ở nhiều quốc gia (Giải Barry Arwards của Mỹ cho tiểu thuyết trinh thám hay trong năm; Giải văn học quốc gia của Pháp CEZAM Prix Litteraire; giải ITV Crime Thriller Book Club Best Read of the Year của Anh…). Nhưng điều hấp dẫn của Phong tỏa không chỉ là ở tính trinh thám hồi hộp với từng chi tiết như một cuốn phim nghẹt thở diễn ra trước mắt chúng ta, mà chính là tính dự báo, linh cảm về đại dịch của thế giới. Những vấn đề nóng từ cuộc cạnh tranh lợi nhuận, khi những tiến sĩ hóa – sinh siêu việt, khi sự phát triển của y học – dược phẩm lại dẫn đến tội ác tàn phá, hủy diệt chính con người khiến bạn đọc suy tư. Cái chết của Tiến sĩ Roger Blume – người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm Đại dịch FluKill của Stein-Frankcks, cũng là kẻ chủ mưu tội ác, là chiến thắng của cái thiện với cái ác, của chính nghĩa với phi nghĩa, của con người tiến bộ với những kẻ mang danh khoa học mà chống lại loài người. Những điều này khiến cuốn tiểu thuyết có độ sâu sắc, chinh phục bạn đọc.
Được biết, tiểu thuyết Phong tỏa không được xuất bản vào năm nó ra đời – 2005, vì bị cho là bối cảnh “phi hiện thực”. Mãi đến năm 2020, khi nhà văn Peter May “ngồi bó gối tại nhà ở Pháp, bị cấm ra khỏi nhà trừ những trường hợp đặc biệt. Một con coronavirus mới, Covid-19, đang tàn phá thế giới này”, cuốn sách mới được chấp nhận, ra mắt độc giả. Trong Lời nói đầu, tác giả tự nhận xét “Sự tương đồng (bối cảnh tiểu thuyết – NV) với Phong tỏa thật đáng sợ”. Và từ nỗi sợ ấy, thông điệp mà tác phẩm đưa ra là sự cảnh báo con người hiện đại trong bước phát triển quá nhanh của thế kỷ 21 này, lại càng thấm thía hơn bao giờ. Chúng ta luôn cần những cuộc đấu tranh phân định trắng – đen, những việc làm đề cao giá trị đạo đức, nhân văn; và cả thái độ không khoan nhượng với cái ác, với những gì dẫn con người đến sự diệt vong.
Dẫn truyện
Tiếng thét của cô vang vọng khắp vùng bóng tối sau khi khó khăn lắm nó mới bật ra được khỏi cái cuống họng đã bị co thắt lại vì sợ hãi. Tiếng thét ấy, run rẩy theo nỗi kinh hoàng mà chính cô cảm nhận được, đủ làm cho lông tóc dựng ngược trên cánh tay hay vai gáy của bất kỳ người nào biết nghĩ đến người khác. Thế nhưng những bức tường dày của ngôi nhà cổ này bao bọc lấy nhau quanh nỗi sợ hãi của màn đêm để bảo đảm rằng chỉ những cái tai đã điếc trước cảnh ngộ của cô mới nghe được tiếng thét ấy.
Y nguyền rủa, rít lên và khạc nhổ trong bóng tối, giận dữ và thất vọng. Cô có thể nghe tiếng y trên những bậc thang và biết rằng y muốn làm hại cô. Người đàn ông mà cô đã biết rõ và đã tin tưởng, kể cả đã thương yêu. Cô chìm vào trong sự mơ hồ của chính mình. Làm sao mà điều đó có thể xảy ra được? Cô nhớ lại sự đụng chạm nhạt nhẽo khi bàn tay y đặt lên vầng trán nóng bỏng của cô suốt những ngày dài bị hành hạ bởi cơn bệnh. Trong ánh mắt của y cũng có chút thương hại. Nhưng ánh mắt ấy giờ đây cháy bỏng sự giận dữ và hiểm độc.
Cô nín thở. Y đã leo lên một cầu thang khác. Y nghĩ cô vẫn còn trên tầng thượng và cô lén rời khỏi phòng đọc sách để thấy được cái bóng của y trên các bậc thang khi y tiến lên đến tầng áp mái. Thế rồi cô quay lại và vội vàng đi xuống, đôi chân nhỏ nhắn rón rén bước trên tấm thảm dày tới chỗ ánh sáng lọt qua cửa sổ lắp kính màu chiếu xuống sàn của gian phòng chính. Những ngón tay tuyệt vọng nắm lấy và xoay tay nắm cửa. Nhưng cửa ra vào đã bị khóa. Không có lối thoát.
Cô lạnh cóng cả người khi nghe tiếng y gầm rống từ trên tầng thượng của tòa nhà. Y biết rằng y đã mất cô. Trong một khoảnh khắc, cô ngần ngừ. Những bậc đá đi xuống tầng hầm bắt đầu từ phòng tắm bên dưới cầu thang. Nhưng cô biết nếu đi xuống đấy thì cô sẽ bị mắc kẹt. Ở đó chỉ có một cái máng trượt cũ kỹ dùng để chuyển than dẫn đến một khoảng hành lang giữa những căn nhà; và mặc dù có thân hình nhỏ nhắn, cô cũng không đủ nhỏ bé để lách người qua khoảng trống ấy.
Cả tòa nhà rung chuyển với những bước chân của y trên các bậc thang và cô quay lại trong hoảng loạn chỉ để thấy rằng mình phải đương đầu với một bé gái. Một con ma trong một bộ váy ngủ màu trắng mái tóc đen cắt ngắn, cặp mắt hình trái hạnh đào mở to và đen nhánh, gương mặt bệt phấn. Hình ảnh của đứa trẻ gây nên nỗi sợ hãi xuyên qua người cô như những lưỡi nhọn của con dao vẫn chờ đợi cô, trước khi cô nhận ra rằng chẳng qua đó là cô đang phản ứng với sự suy nghĩ của chính mình mà thôi. Sự sợ hãi đã làm cho cô không thể nhận biết đúng sự vật.
“Choy!”, cô nghe y gầm lên trong khu vực cầu thang, và chợt nhớ đến người phụ nữ đầu tiên đã hướng dẫn y và cô đi thăm toàn bộ ngôi nhà này vài tháng trước. Bảng điều khiển đặt âm tường của phòng ăn rộng lớn ở ngay trước mặt. Một căn phòng mà họ chưa hề sử dụng. Một căn phòng luôn sôi sục trong một bóng tối ngột ngạt, ánh mặt trời lúc ban ngày và những ngọn đèn lần lượt chiếu qua những vết tưa ra quanh mép những bức rèm. Nhân viên hãng bất động sản đã dời chỗ một chiếc bàn nhỏ để dỡ bỏ bảng điều khiển và để lộ một cửa ra vào nằm phía sau. Một cánh cửa cũ kỹ sơn trắng với cái tay nắm tròn mà cô đã mở vào vùng bóng tối phía bên kia. Vùng bóng tối ẩm ướt, lạnh lẽo, bụi bặm của một căn phòng gạch nhỏ, nơi từng có một gia đình gồm sáu người đã thu mình trong màn đen để trốn tránh những cuộc thả bom.
Choy không hình dung được bà chủ nhà có ý nói về điều gì khi bà dùng từ “blitz” nhưng cô đã được nghe nói rằng khi những chiếc máy bay thả bom của Đức hoàn tất cuộc tấn công London, chúng chuyển hướng bay về phía Nam và trút tất cả lượng bom dư trong khoang tàu xuống khu vực bất hạnh này. Rồi khi còi báo động vang lên, dân chúng nhốn nháo như bầy chuột chạy vội vào “những chiếc bẫy chuột bằng gạch” của họ để nghe ngóng, để thấp thỏm chờ đợi và để cầu nguyện trong tăm tối. Choy lại nghe y gào thét gọi tên cô lần nữa, hệt như tiếng còi báo động của hơn nửa thế kỷ trước, tiếng thét khiến cô nháo nhác chạy vội vào căn phòng phía trước.
Vội vàng, cô đẩy trượt chiếc bàn nhỏ qua một bên và dò dẫm để tháo bớt những vật ẩn giấu trên tấm bảng điều khiển màu xanh sẫm. Tấm bảng quá nặng, đôi bàn tay nhỏ bé của cô phải vật lộn để nậy cho nó rời ra. Cô có thể nghe thấy tiếng y trên đầu cầu thang tầng trên, thế rồi có tiếng bước chân của y trong phòng ngủ chính ở ngay phía trên. Cô kéo lệch tấm bảng điều khiển qua một bên rồi đẩy mạnh cánh cửa. Nó mở vào một vùng tối om om, một luồng không khí lạnh lẽo và ẩm thấp bao bọc khắp người cô. Cô bước hẳn vào bên trong rồi kéo tấm bảng điều khiển trở về chỗ cũ. Từ phía trong, cô không thể nào gắn chặt nó lại mà chỉ cầu nguyện để y đừng phát giác. Cô đóng cửa lại, mọi ánh sáng đều tắt ngấm. Cô ngồi xổm trên mặt đất rồi vòng cả hai tay ôm lấy đầu gối cho có chút hơi ấm. Chung quanh cô thật lạnh, thật tối tăm và thật cùng quẫn.
Không hề có lối thoát. Cô không thể tưởng tượng làm thế nào mà sáu con người có thể ép chặt vào nhau trong khoảng không gian này. Thật là vượt ngoài sức tưởng tượng điên rồ nhất của cô để biết người ta có cảm giác như thế nào khi nghe tiếng bom rơi khắp chung quanh rồi tự hỏi liệu mình có phải là người kế tiếp hay không. Thế nhưng cô không cần tưởng tượng để hình dung về người đàn ông mà giờ đây cô đang nghe tiếng bước chân trên những bậc thang hay ánh sáng lấp lánh trên lưỡi dao mà cô biết chắc y đang mang theo. Nhà nuôi trẻ mồ côi ở Quảng Đông là một ký ức xa vời, đứa trẻ lúc ấy là cô, một con người khác trong một cuộc đời khác. Chỉ trong sáu tháng mà quá nhiều điều đã thay đổi, thế nhưng dường như vẫn có một điều gì đó vĩnh cửu, và cuộc đời khác kia chẳng qua chỉ là cái bóng của một giấc mộng.
Cô thở hụt hơi, gấp gáp và ồn ào một cách bất thường. Nhưng hơn cả điều đó, cô có thể nghe thấy y đang có mặt ở sảnh trước. Những bước chân nặng nề trên sàn gỗ. Sự giận dữ trong giọng nói khi y gọi tên cô lần nữa. Rồi lại im lặng. Sự im lặng khiến từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác dường như kéo dài hàng nhiều giờ đồng hồ. Cô vội nín thở, càng lâu càng tốt, vì cô tin chắc rằng y sẽ nghe thấy, vẫn là sự im lặng. Thế rồi cô thở hổn hển khi nghe tiếng vỡ của tấm bảng điều khiển ở mặt ngoài của cánh cửa. Tim cô đập mạnh đến nỗi cô có cảm tưởng ai đang đấm vào ngực mình.
Tay nắm cửa xoay. Cô ép sát người vào tường khi cánh cửa từ từ mở ra. Ánh sáng từ gian sảnh hắt bóng y lên khuôn cửa sau lưng y. Cô có thể thấy hơi thở của cô, đọng thành sương trong làn không khí lạnh, được rọi vào bởi cùng luồng ánh sáng ấy. Y từ từ cúi xuống rồi vươn tay về phía cô. Cô không thể nhìn thấy mặt y nhưng có thể nghe được tiếng cười mỉm của y.
“Hãy lại đây với ba nào”, y dịu dàng lên tiếng.
Mời các bạn mượn đọc sách Phong Tỏa của tác giả Peter May & Nguyễn Văn Nhật (dịch) & Nguyễn Thuần Phác (dịch).