Thường thì dân mê truyện kiếm hiệp ai cũng nghe tiếng tác giả Kim Dung, chỉ biết Kim Dung trên cái đỉnh cao chót vót của các tác phẩm kiếm hiệp, thế nhưng khi bạn có dịp đọc hết trọn bộ 2 tập Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm, bạn sẽ thấy Trần Phiên Ngung của Việt Nam có bút pháp điêu luyện ngang tầm Kim Dung, nếu không nói là có những mặt độc đáo hơn Kim Dung, theo một số người mê truyện kiếm hiệp nhận xét sau khi đọc Nam thiên nhất tuyệt kiếm. Tại sao?
Trần Thúc Vũ vừa là một nhà thơ, vừa là một nhà văn, vừa là một quân nhân có lòng yêu nước nồng nàn, đầy ấp niềm tự hào dân tộc. Khi biến thành Trần Phiên Ngung để viết Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm, lại là một hỗn hợp của một Kim Dung, một Quỳnh Giao, một nhà thơ và một nhà nghiên cứu lịch sử đấu tranh của dân tộc. Lồng lộng trong kiếm quan của các nhân vật trong truyện là những mối tình thơ mộng, những oan trái được kết thúc đầy tình người và niềm tự hào của dân tộc. Nam thiên nhất tuyệt kiếm với Trần Nguyên Huân dòng dõi nhà Triều Trần, vớt Sát Na Vô Lượng Thần Công trong bí kiếp của Ðức Trần Hưng Ðạo được luyện thành trên bước đường bôn tẩu tầm thù ở Trung Nguyên, Trần Nguyên Huân đã phục hận cho dòng họ và cho Tổ Quốc…
Bởi thế, đọc Nam thiên nhất tuyệt kiếm, bạn sẽ có những cảm giác khi hồi hộp, khi cảm động đến rơi nước mắt, khi kinh ngạc với những chiêu kiếm thần tình của một nhân tài Ðại Việt gồm thu toàn bộ tinh hoa võ học của cả Trung Nguyên lẫn Ðại Việt, song trong trận tử chiến cuối cùng với một đại cao thủ của phương Bắc, kẻ đã nhúng tay tàn sát gia đình Trần Nguyên Huân và xâm lăng Ðại Việt, chàng đã chỉ dùng võ công Sát Na Vô Lượng Thần Công của Ðại Việt để đương đầu với kẻ thù. Ðường Kiếm của Trần Nguyên Huân đã cắt lìa cánh tay trái của kẻ thù, phế bỏ võ công và tha chết cho kẻ bại trận. Hào khí Ðại Việt ngùn ngụt đất trời Trung Nguyên, và sau khi về nước, chính người thanh niên anh kiệt này trong đạo quân vô hình của Lê Lợi, đã kết liễu đời Liễu Thăng tại ải Chi Lăng …
Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm là một trong những tác phẩm của Trần Phiên Ngung.
Truyện lấy bối cảnh lịch sử cuối đời Trần. Thời điểm Nghệ Tông và Nguyên Đán, kẻ yếu người hèn đã dâng nhà Trần cho họ Hồ, để đến nỗi mất nước vào tay giặc Minh. Kết thúc với cuộc kháng chiến chống Minh thành công dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi.
Truyện có những liên kết đáng kể với Ỷ Thiên Đồ Long ký của Kim Dung.
Hãy thử nhìn lại một phân đoạn lịch sử Việt Nam dưới cái nhìn võ hiệp.
Nguyên Huân thu hữu dực về sườn phải, cùng một lúc, bộ vi đổi từ Chảo Mã tấn sang Đinh tấn, xoay mình 30 độ sang phía phải, tả chưởng chụm lại thành cương đao, cánh tay phải giơ lên khỏi đầu, hữu chưởng xòe ra, năm ngón tay cong lại như vuốt chim ưng, cương đao chém mạnh từ dưới lên trên vào sườn phải của một địch thủ tường tượng, ưng trảo thủ chụp mạnh vào huyệt Nhũ Căn, kết thúc đòn sát thủ trong pha Đoạt Mệnh quyền. Nguyên Huân trụ bộ lấy lại hơi thở, hơi thở vẫn điều hòa.
Buổi tập luyện thường ngày bắt đầu vào giờ Dần mỗi sáng. Trời lạnh như dao cắt, mồ hôi vẫn rịn ra trên tấm thân trần cường tráng, cân đối, cuồn cuộn những bắp thịt, như đang bốc khói giữa cái giá buốt mùa Đông bắc. Tiếng gió rít trên những đọt cây trơ trụi lá, thổi bay lao xao từng lớp lá khô trên mặt sân gạch rộng. Chàng đưa mắt nhìn quanh. Ngọn Liên Sơn đen sẫm sừng sững che lấp cả một khoảng trời. Ánh sáng đục mờ, lạnh lẽo. Chàng tháo khăn võ sinh, lau nhanh thân thể lấm tấm mồ hôi rồi quấn quanh bụng. Chàng nhanh nhẹn đến trước cặp Thạch Sư có quai mốc trên lưng. Nguyên Huân len vào giữa, hít hơi thở thật sâu vào đơn điền, phát huy Hỏa Vân công, chuyển kình lực xuống hai chân trụ tấn, vận công lên hai cánh tay dang rộng cuồn cuộn những bắp thịt như được tạc bằng thép. Chàng bế hơi thở nhắc cặp Thạch Sư, mỗi con không dưới 500 cân, lên khỏi đầu, để xuống nâng lên nhiều lần. Nội lực của chàng đã tinh tiến nhiều, sự chuyên cần tập luyện đã có kết quả đáng kể.
Chàng vui mừng vì sự thành tựa ấy. Thế nhưng, Đoàn thúc thúc của chàng vẫn nhìn chàng với đôi mắt buồn bã xen lẫn vô vọng, bất lực. Chính vì đôi mắt già nua, buồn bã ấy, Nguyên Huân càng cố công khổ luyện để làm vui lòng người chú già nua mà tình thương của ông dành cho chàng thật vô bờ. Chàng đã sống ở đây, nơi thâm sơn cùng cốc này kể từ khi chàng có đủ trí khôn để nhớ. Nơi đây quạnh vắng, chỉ có ông, có chàng, có Uyển Thanh, cô con gái duy nhất của ông cũng trạc tuổi chàng, và Dư Tứ, người nô bộc trung niên có đôi mắt xếch sáng quắc. Bốn con người sống âm thầm trong xó núi đã bao nhiêu năm nay. Chừng nửa tháng một, Dư Tứ cùng với Uyển Thanh xuống thị trấn một lần để mua thực phẩm và những đồ dùng cần thiết. Thỉnh thoảng Nguyên Huân theo Dư Tứ vào núi săn bắn. Dư Tứ có bộ pháp nhanh như cắt và nghề bắn cung tuyệt vời Y im lìm, ít khi mở lời trò chuyện, có lẽ do giọng y nóinghe lơ lớ như giọng của một người khách trú. Ngoài ra, khoảng ba bốn tháng một lần, Đoàn thúc còn có một người khách đến thăm. Vị khách này thường tấm tắc khen chàng có một căn cốt tuyệt vời, nhưng trong giọng nói xem nhưng có điều chi tiếc thương như tiếc một căn cốt tuyệt vời như thế.
Những lần ghé thăm ấy, vị lão khách chàng chỉ biết bằng cái tên ngắn ngủi: Tiêu thứ gia, Tiêu Đại Hùng. Đoàn lục thúc của chàng cùng Tiêu thứ gia, và đôi khi có cả Dư Tứ nữa, thường trò chuyện với nhau bằng một thứ tiếng mà Nguyên Huân không thể hiểu nổi, cả đến Uyển Thanh cũng chẳng biết gì hơn chàng.
Uyển Thanh là một cô gái xinh đẹp, dịu dàng, có đôi mắt long lanh, trên khuôn mặt trắng hồng là đôi môi như một cánh đào thắm và hàm răng trắng muốt. Đó là nét khác biệt của Uyển Thanh với những cô gái Đại Việt với hàm răng đen nhưng nhức. Có lẽ vì mẹ nàng qua đời quá sớm nên chẳng còn ai dạy nàng nghệ thuật nhuộm răng của Đại Việt. Từ khi còn nhỏ, Nguyên Huân đã cùng nàng sống bên nhau, tình thương mến mỗi ngày một thêm sâu đậm. Nhưng từ khi vào tuổi trăng tròn, Uyển thanh không còn cười đùa, chạy nhảy với chàng như trước nữa. Nàng cũng được cha và Tiêu lão bá truyền thụ võ công, quyền cước, kiếm pháp như chàng. Thân thể Uyển Thanh mảnh mai, bộ pháp của nàng vì thế thiếu đi cái cương mãnh trong quyền cước, nhưng mỗi lần nàng biểu diễn Uyên ương kiếm, Nguyên Huân thấy nàng như một tiên nữ trước gió. Chàng thường tấm tắc khen khiến Uyển Thanh bao nhiêu lần đỏ mặt.
Chàng coi Uyển Thanh như một cô em ruột, nhưng ít lâu nay nàng thường tỏ ra ít tự nhiên khi mỗi lần hai người cùng luyện kiếm. Có lẽ cái tên của pho kiếm Uyên ương, mà một lần Uyển Thanh hỏi chàng về ý nghĩa của tên gọi đã làm cho nàng thẹn thùng chăng! Khi Uyển Thanh thẹn thùng, mặt nàng hồng như hoa đào, Nguyên Huân thấy nàng thật đẹp. Và trong tận cõi lòng, chàng thoáng thấy một nỗi xôn xao nhè nhẹ như hương thơm của loài hoa Nguyệt quế vào những buổi trăng non. Đôi lần chàng tự hỏi và ngạc nhiên về cái cảm giác êm ái ấy. Nhưng những buổi khổ luyện võ công, những chiều dồi mài văn học, binh thư, đã không đem đến cho chàng cái cảm giác êm đềm ấy tăng thêm nữa.
Tiếng ho nặng nề từ căn phòng của Đoàn lục thúc và ánh sáng mờ của ngọn đèn dầu trong phòng lọt qua khe cửa, Nguyên Huân biết là Đoàn thúc thúc đang thức dậy, cặm cụi nhóm lửa, đun nước pha trà. Thói quen ấy đã trở thành đều đặn, chừng mực khoảng tám, chín năm nay, và chẳng bao giờ ông cho bất cứ một người nào phụ giúp ông trong công việc ấy. Càng về sau này, sức khỏe ông càng giảm sút. Tuổi sáu mươi của một người có võ công cao siêu như ông không thể có một sức khỏe suy nhược như thế. Ông thường trầm ngâm bên tách trà loại Tuyết Sơn. Trà có hương vị kỳ tuyệt này do Tiêu thứ gia mỗi lần ghé qua mang tặng. Da mặt ông ánh lên một màu xanh kỳ dị, Huân không dám hỏi, nhưng chàng đoán chừng có lẽ ông đã bị trọng thương do một loại Hàn Âm độc chưởng nào đó, nhất là tiếng ho nặng nề, những lúc ấy ông uống vội ba chung trà và nhắm mắt luyện công. Dường như ông đã cố gắng dùng chút công lực còn sót lại chống với luồng quái khí đang hoành hành trong cơ thể mỗi lúc một mòn hao kia.
Mời các bạn đón đọc Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm của tác giả Trần Phiên Ngung.