Là văn hào Mỹ gốc Nga, Vladimir Nabokov viết hàng chục truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Nga sau khi rời tổ quốc qua châu Âu sống vào năm 1919. Tuy nhiên, từ lúc chuyển sang Mỹ vào năm 1940, ông bắt đầu sáng tác bằng tiếng Anh.
Tổng tập truyện ngắn Nabokov bao gồm toàn bộ 68 tác phẩm của ông.
Do được viết trong hàng chục năm, qua nhiều quốc gia, bằng cả tiếng Anh và Nga, nên 68 truyện ngắn này có thể coi như những cột mốc quan trọng, phản chiếu các thay đổi tư tưởng cũng như sự hình thành phong cách bậc thầy của Nabokov.
Rất nhiều tác phẩm có thể coi như bản thu gọn của các tiểu thuyết lớn của ông, và nhiều nhân vật, chi tiết được phác thảo từ chính các truyện ngắn này.
Tuyển Tập Truyện Ngắn Nabokov gồm có:
– Mỹ Nhân Nga
– Mây, Hồ, Tháp
– Thanh Âm
***
Theo lời dịch giả Thiên Lương, mặc dù mỗi tác phẩm của Nabokov đều có nét đặc sắc riêng, tuy nhiên trong quyển 2 của bộ tổng tập vẫn có những truyện ngắn đặc biệt nổi trội.
Chẳng hạn: Xuân Fialta – không chỉ được đánh giá là một trong những truyện ngắn hay nhất, được viết rất trữ tình và phóng khoáng với những chi tiết châm biếm hết sức đặc trưng của Nabokov, mà còn được nhiều học giả nhận định như một tự truyện ẩn chứa nhiều bí mật cuộc đời tác giả.
Chính ông xuất hiện thấp thoáng cả trong vai người kể chuyện cũng như người chồng của tình nhân anh ta. Xét trên mọi phương diện, có thể nói rằng Xuân Fialta vượt hẳn ra ngoài mọi chiều kích của một truyện ngắn thông thường.
Mây, hồ, tháp – không chỉ đơn giản kể về chuyến du lịch kỳ lạ nơi đất khách của một người lưu vong Nga, mà còn ẩn giấu vô số dấu hiệu và biểu hiệu của Nabokov về tình yêu với gia đình, với quê hương, cùng các ẩn ức tình dục sâu kín nhất trong lòng người đàn ông.
Lance – truyện ngắn cuối cùng của Nabokov và cũng là tác phẩm khoa học viễn tưởng gần như duy nhất của ông, được viết hết sức cầu kỳ với những tiên đoán vượt thời gian về ngành du hành vũ trụ tương lai lồng ghép cùng thi ca và những suy ngẫm của chính tác giả về gia đình mình.
Cuộc trở về của Chorb là một tác phẩm đậm chất điện ảnh từng được chọn làm tên chung cho một tuyển tập nổi tiếng của ông, Nỗi sợ (1926) – đi trước Buồn nôn (La Nausée) của Jean-Paul Sartre hơn chục năm về một số sắc thái tư tưởng nhất định.
Có thể dễ dàng thấy điểm chung trong các truyện ngắn của Nabokov: hồi ức đau buồn và kiêu hãnh về nước Nga vĩ đại mà ông buộc phải từ giã khi còn rất trẻ và bỏ lại sau lưng không chỉ những năm tháng thanh xuân tươi đẹp mà cả một gia tài khổng lồ.
Tuy nhiên, nhà văn không để mình kẹt lại lồng bẫy vàng son dĩ vãng ấy mà đã tự xây dựng cho mình một thế giới mới, vượt lên trên những xót xa tiếc nuối tầm thường – một thánh đường văn chương kỳ vĩ với các nhân vật dễ sợ được bày ra ngoài mặt tiền và trên các tháp chuông cao ngất…
Nhưng nếu ai gạt bỏ được định kiến và kìm nén được nỗi sợ để bước những bước nhỏ thành kính vào đó qua các cánh cửa oai nghiêm nặng nề, thì biết đâu, sẽ tìm được sự bình yên, sắc màu thiên đường và vẻ đẹp thánh thiện không thuộc về thế giới trần tục bên ngoài.
Mời các bạn đón đọc Mây, Hồ, Tháp của tác giả Vladimir Nabokov.