Về Victor Hugo, bạn đọc Việt Nam đã được biết nhiều qua những tác phẩm của ông như Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris), Những người khốn khổ (Les Misérables),Chín mươi ba (Quatre-vingt-treize)…
Riêng cuốn ‘Lao động biển cả’ (Les Travailleurs de la mer) đã cuốn hút rất nhiều bạn đọc Việt Nam biết tiếng Pháp qua nhiều thế hệ. Đây không chỉ là một tác phẩm hiện thực phản ánh xã hội tư sản Pháp trong những ngày đầu của chế độ tư bản ở nước này. Qua tác phẩm này tác giả cũng xây dựng thành công một số nhân vật điển hình đại diện cho cái Thiện và cái Ác. Với một ngòi bút vững vàng đầy kinh nghiệm, tác giả đã vạch trần những mánh khóe xảo quyệt táng tận lương tâm của những con người như Rantaine hay Clubin. Đồng thời ông cũng miêu tả rất thực và rất sinh động những con người chân chính, lao động không mệt mỏi như Gilliatt. Qua câu chuyện tình éo le, dang dở của Gilliatt, bạn đọc vừa cảm thương cho số phận hẩm hiu của anh vừa căm giận những bất công trên đời này. Phải chăng đấy là một thứ “định mệnh của vạn vật”?
Dẫu sao, sau khi đọc xong dòng chữ cuối cùng, gập sách lại, bạn đọc vẫn còn thấy lắng lại trong tâm tư những gì cao quý, tuy chua chát, của con người. Bởi vì trước sau Victor Hugo vẫn là một nhà văn đại diện cho các nhà văn lớn thế giới với những tư tưởng nhân văn cao quý.
Tôn giáo, xã hội, thiên nhiên; đấy là ba cuộc tranh đấu của con người. Ba cuộc tranh đấu ấy đồng thời cũng là ba nhu cầu. Con người cần tin tưởng, vì vậy mà lập nên đền thờ; con người cần sáng tạo, vì vậy mà thành ra đô thị; con người cần phải sống, vì vậy mà có cày cuốc, thuyền bè. Nhưng ba giải pháp ấy lại chứa đựng ba cuộc chiến tranh. Khó khăn bí mật của cuộc sống từ ba chỗ ấy mà ra. Con người gặp phải trở ngại dưới hình thức mê tín, dưới hình thức thành kiến, và dưới hình thức nguyên tố cơ bản. Ba định mệnh đè nặng lên chúng ta, định mệnh của tín điều, định mệnh của luật pháp, định mệnh của vạn vật. Trong Nhà thờ Đức Bà Paris, tác giả đã tố cáo cái thứ nhất; trong Những người khốn khổ, tác giả đã làm nổi bật cái thứ nhì; trong quyển sách này, tác giả nói rõ đến cái thứ ba.
Cùng với ba thứ định mệnh bao trùm con người ấy, lại xen thêm định mệnh bên trong, sức mạnh lớn nhất, trái tim con người.
Hauteville House, tháng ba 1866.
Tôn giáo, xã hội, thiên nhiên, đấy là ba cuộc tranh đấu của con người. Ba cuộc tranh đấu ấy đồng thời cũng là ba nhu cầu. Con người cần tin tưởng, vì vậy mà lập nên đền thờ; con người cần sáng tạo, vì vậy mà thành ra đô thị; con người cần phải sống, vì vậy mà có cày cuốc, thuyền bè. Nhưng ba giải pháp ấy lại chứa đựng ba cuộc chiến tranh. Khó khăn bí mật của cuộc sống từ ba chỗ ấy mà ra. Con người gặp phải trở ngại dưới hình thức mê tín, dưới bình thức thành kiến, và dưới hình thức nguyên tố cơ bản. Ba định mệnh[1] đè nặng lên chúng ta, định mệnh của tín điều, định mệnh của luật pháp, định mệnh của vạn vật. Trong Nhà Thờ Đức Bà Paris, tác giả đã tố cáo cái thứ nhất; trong Những Người Khốn Khổ, tác giả đã làm nổi bật cái thứ nhì; trong quyển sách này, tác giả nói rõ đến cái thứ ba.
Cùng với ba thứ định mệnh bao trùm con người ấy, lại xen thêm định mệnh bên trong, sức mạnh lớn nhất, trái tim con người.
Hauteville House, tháng ba 1866.
Đại văn hào Victor Hugo đã để lại một gia tài đồ sộ cho văn học thế giới, những đóng góp của ông có lẽ không cần bàn nhiều.
Nhà xuất bản Văn học mới đây đã cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết đầy không khí sử thi của ông mang tên “Lao động biển cả”. Tác phẩm mô tả cuộc đấu tranh của chàng đánh cá Giliatt với biển cả và sự hy sinh cao quý của chàng cho hạnh phúc của người chàng yêu tha thiết, Deruyset.
Trước tiên phải khẳng định, đọc cuốn tiểu thuyết này không dễ, bởi người đọc phải có sự hiểu biết tương đối về không gian sử thi và thần thoại Hy Lạp. Các nhân vật trong tiểu thuyết “Lao động biển cả” cũng như hầu hết những tác phẩm khác của đại văn hào Victor Hugo đều không có nét đặc sắc về tâm lý. Gilliatt- nhân vật chính không có những biến đổi tâm lý mạnh, cuốn sách cũng không có nhiều trường đoạn khắc hoạ suy nghĩ của anh.
Như Giáo sư Đặng Thị Hạnh đã nhận xét, những tâm lý nhân vật trong “Lao động biển cả” chỉ là những giản đồ tâm lý so với các tiểu thuyết gia khác như Stendhal, Balzac, Flaubert… Vì vậy so với thời gian tiểu sử-cốt truyện thì có thể coi dòng thời gian tâm lý trong tác phẩm này không có vai trò như trong các tiểu thuyết đương thời của Balzac, Flaubert…. Nhịp điệu trong tác phẩm này chỉ vang lên rõ nhất ở thời gian sự kiện.
Nhưng “Lao động biển cả” cũng có một kết cấu sự kiện chặt chẽ chứng tỏ sự già dặn trong nghệ thuật kể chuyện của Hugo sau những kiệt tác “Nhà thờ Đức Bà Paris” (1831), “Những người khốn khổ” (1862). Có thể chứng minh điều này khá rõ qua cách bố trí một cách chặt chẽ kết cấu sự kiện trong lời kể của tác giả và việc sử dụng những thủ pháp “treo tình tiết” theo kiểu tiểu thuyết đen khá phổ biến đương thời.
Một độc giả yêu văn học cho biết: “Các đoạn tả cảnh gió, cảnh bão, cảnh Gilliat tự dựng xưởng sửa tàu giữa biển khơi khiến tôi đọc đi đọc lại không thấy chán. Cả các đoạn viết về địa chí của cụm đảo Ghecnơxê cũng vô cùng hấp dẫn. Đoạn tôi thích nhất là đoạn hội thoại giữa tay thuyền trưởng và tay lái súng khi mặc cả khẩu súng 6 nòng của Mỹ – hoặc đoạn mặc cả với bọn buôn lậu cũng vậy”.
Như lời đề tặng của tác giả: “Tôi tặng quyển sách này cho hòn núi mến khách và tự do, cho mảnh đất Normandi già cỗi, nơi sinh sống của dân tộc cao quý nhỏ bé miền biển, cho đảo Ghecnơxê nghiêm nghị và hiền hòa, chỗ nương thân hiện thời của tôi và có thể là nơi tôi yên nghỉ”, cuốn tiểu thuyết “Lao động biển cả” là một món quà vô cùng ý nghĩa cho những độc giả vẫn còn nặng tình với vẻ đẹp thuần khiết của văn chương cổ điển.
MỘT CHỮ VIẾT TRÊN TRANG GIẤY TRẮNG
Lễ Giáng sinh năm 1820 ở Guernesey đáng được chú ý. Hôm ấy trời tuyết. Trên các đảo vùng biển Manche, mùa đông có băng là điều đáng được ghi nhớ, và nếu có tuyết thì lại thành sự kiện đặc biệt.
Sáng hôm lễ Giáng sinh ấy, con đường dọc theo bờ biển từ Saint-Pierre-Port đến Valle trắng xóa một màu. Tuyết rơi suốt từ nửa đêm đến tận bừng sáng. Quãng chín giờ, sau khi mặt trời mọc một tí, vì chưa phải lúc để các người theo giáo phái Anh quốc đi nhà thờ Saint-Sampson và để những người theo phái Wesley đến tiểu giáo đường Eldad, nên đường đi hầu như vắng vẻ. Suốt quãng đường giữa tháp thứ nhất và tháp thứ nhì, chỉ có ba người khách qua đường, một em bé, một người đàn ông và một người đàn bà. Ba khách qua đường này, đi cách nhau, rõ ràng không có quan hệ gì với nhau cả. Em bé, độ lên tám, dừng lại và tò mò nhìn tuyết. Người đàn ông đi cách sau người đàn bà, độ một trăm bước. Cũng như người đàn bà, anh từ Saint-Sampson đến; anh còn trẻ, có vẻ như một công nhân hay một thủy thủ. Anh mặc bộ quần áo tứ mùa, một chiếc áo varơ bằng da nâu xấu và một cái quần dính bết nhựa đường, hình như chứng tỏ là bất chấp ngày lễ anh chẳng đi đến giáo đường nào cả. Những chiếc giày cục mịch bằng da thô của anh, đế chi chít đinh to, để lại trên tuyết một dấu vết nom tương tự khóa nhà lao nhiều hơn là chân người. Còn người đàn bà qua đường thì tất nhiên là đóng bộ cánh đi lễ; cô khoác một chiếc áo choàng rộng lót lụa đen, trong diện áo dài popeline Ireland bó sát, sọc trắng, sọc hồng, và giá cô không mang bít tất đỏ thì ta đã tưởng cô là người Paris. Cô cất bước nhanh nhẹn, thoải mái, nhẹ nhàng và qua dáng đi chưa bợn dấu đời đó người ta đoán được cô còn con gái. Điệu bộ cô mang cái vẻ duyên dáng thoáng qua, đánh dấu thời kỳ chuyển tiếp tế nhị nhất, tuổi dậy thì, hai cảnh hoàng hôn lẫn lộn, bước đầu của một người đàn bà trong phút cuối cùng của một em bé. Điểm ấy người đàn ông kia không nhận thấy.
Thình lình, đến cạnh một lùm sồi xanh ở góc một khu vườn con, chỗ gọi là Dãy Nhà Thấp, cô gái bỗng quay lại, động tác ấy khiến người đàn ông phải nhìn cô. Cô gái dừng lại, có vẻ như ngắm nhìn anh chàng một lúc, đoạn cúi xuống; người đàn ông thấy hình như cô lấy ngón tay viết gì đó trên tuyết. Rồi cô ngẩng lên, đi tiếp, bước nhanh, rồi ngoảnh lại, lần này còn cười nữa, và đi khuất sang phía trái con đường, trong cái lối mòn hai bên có hàng rào dẫn đến lâu đài Trường Xuân. Lúc cô ngoảnh lại lần thứ hai, người đàn ông mới nhận ra đây là Déruchette, một cô gái xinh đẹp của địa phương.
Anh thấy cũng chẳng cần phải vội và lát sau anh đã đến bên lùm sồi ở góc khu vườn con. Anh không nghĩ gì đến cô gái qua đường đã đi khuất, và nếu giây phút ấy có một con cá heo văng mình ngoài biển hay một con chim đỏ cổ nhảy nhót trên cành, thì có thể người đàn ông ấy đã đi qua, mắt chăm chú vào con chim đỏ cổ hay con cá heo. Tình cờ lúc trông xuống, anh chợt nhìn đúng vào chỗ cô gái đứng lại. Hai bàn chân nhỏ bé vẫn rành rành ở đấy, và bên cạnh, anh đọc được mấy chữ cô viết trên tuyết: Gilliatt.
Mấy chữ ấy là tên của anh.
Anh là Gilliatt.
Anh đứng lặng hồi lâu, nhìn cái tên, nhìn mặt tuyết, nhìn đôi chân nhỏ bé, rồi lại trầm ngâm đi tiếp.
Mời các bạn đón đọc Lao Động Biển Cả của tác giả Victor Hugo & Hoàng Lâm (dịch).