Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 ra đời chẳng vì cái gì cả, nó chỉ là một cuốn hồi ức sống động của một người lính thầm lặng của một chiến trường khốc liệt. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã lùi dần vào dĩ vãng hơn ba mươi năm, nhưng hãy còn đó những CCB, những anh hùng ngày xưa mà lịch sử đã một thời lãng quên họ, những người anh hùng vô danh ấy, đã sống đã chiến đấu dũng cảm cho đất mẹ yêu thương, những trong số họ đã nằm xuống cho đất nước Chùa Tháp hồi sinh, những người trở về thì lặng yên cố hòa mình vào cuộc sống, nhưng trong họ vẫn âm ỉ cháy một ngọn lửa hồi ức không bao giờ tắt về những ngày tháng chiến đấu bên đồng đội, cùng trèo đèo lội suối chia sẻ nhau chút lương khô trên đường truy kích địch, hay còn nguyên cảm giác không nói nên lời khi tự tay khiêng xác thằng bạn mới hôm qua còn tếu táo với nhau… Tuổi trẻ các anh đã hiến dâng cho tổ quốc nào có ai đòi hỏi gì, đó là những năm tháng không thể nào quên, có những phút nghỉ ngơi sau những tất bật cơm áo gạo tiền, nghĩ lại những giây phút ngày xưa các anh bỗng chợt trào nước mắt vì thương những thằng bạn ra quân sau, mà cứ ngỡ tới tận bây giờ nó vẫn còn nằm chốt bên ấy (lời Trungsy1), để rồi các anh có thêm nghị lực, mà sống cả cho những đồng đội không được sống.
Truyện nói lên những dòng hồi ức của một người lính thực thụ, người đã cầm súng chiến đấu cho đất mẹ và cho sự sống của chính mình, qua ngòi bút của chính tác giả, một nhà giáo đã vẽ nên một bức tranh sống động về chiến tranh và cuộc sống người lính trong chiến tranh. Chiến tranh nào phải những con số khô khan lạnh lùng, chiến tranh nào phải trò chơi mà chỉ có thắng với thắng, người lính nào phải chỉ biết đánh nhau… Trăm điều thú vị, nghìn chuyện ngậm ngùi… Tôi đã cùng cười cùng khóc với những dòng hồi ức này, cảm ơn chú Võ Văn Hà nhiều lắm. Giờ thì mời mọi người cùng đọc truyện tuổi teen để hiểu hơn về câu chuyện và Võ Văn Hà gửi gắm.
Dù bị địch phản công mạnh, nhưng khi dứt đợt cối thứ hai thì C9 đã có bộ phận vào đến hầm của địch (hai LS cùng một chỗ), địch đã bị dồn tới nước cùng. Có hai hướng chúng định tháo chạy là tây và đông nam. Hướng tây của anh em D10 thì lực lượng mỏng, nhưng kẹt con suối ta đã chiếm sâu vào cứ của chúng. Anh Thìn đang cùng với một B của D10 đang án ngữ hướng này, hơn nữa địa hình hơi khó nên cũng không dễ gì thoát được (một nhóm địch chạy tháo ra bị anh em D10 đánh trả diệt hai tên).
Trên các hướng hầm hố đã bị chiếm, và một ít bị cối phá sập nên không còn điểm tựa. Chỉ còn con đường của bãi mìn là con đường lí tưởng của chúng.
Cả một lực lượng chúng bị co cụm trên một khu vực hẹp (có lẽ chúng biết bãi mìn của chúng có nơi dày thưa khác nhau) và chính diện vẫn là hướng C9. Tranh thủ thời cơ này, C10 tấn công mạnh yểm trợ cho anh em C9, và anh Thìn nhanh chóng thúc D10 vào chiếm lĩnh khu mạn tây của hào địch (tôi quẳng hai quả MK3 vào hầm địch) và buộc chúng phải rút chạy bất chấp là bãi mìn.
Theo nhận định, thì nếu chúng cố chống trả chừng mười – mười lăm phút (không bị mất trung tâm) thì chắc chắn ta và địch phải đánh giáp lá cà vì đạn của ta đã hầu như không còn bao nhiêu. Có một anh C9 trong nòng chỉ còn bảy viên AK, khi tiếp giáp với anh em D10 phải xin hai băng AK… một lúc sau cũng gặp anh này, đang nấp vào phía sau cái thùng phuy của địch đang đưa đạn lẻ thu của địch vào băng.
Trên hướng D3 ta hi sinh tám và bị thương hơn mười người. D10 bị thương tám do miểng cối của địch.
Trận đánh khép lại với những thắng lợi phải nói là giòn giã. Tâm lí anh em đã được giải tỏa rất nhiều trước những tổn thất trong thời gian qua.
Cũng không ai có thể ngờ rằng… chính tại cứ điểm này những năm sau ta phải vất vả, tốn quá nhiều xương máu của anh em F307, F2, F315 và những lực lượng trợ chiến của QK5.
Mời các bạn đón đọc Kí Ức Của Một Người Lính Trinh Sát Sư 307 của tác giả Võ Văn Hà.