Tập tản văn Gáy Người Thì Lạnh chưa dày tới 200 trang là trạm dừng chân cho những ai đang cảm thấy mỏi giữa dòng đời đẩy đưa bao bộn bề, hối hả hoặc những kẻ muốn tìm cho mình thứ gì đó nhẹ nhàng để đọc và suy ngẫm một chút. Nguyễn Ngọc Tư kể các câu chuyện rất thật, rất Nam Bộ và cũng vì thế mà rất đỗi bình dị, thân thương.
Bạn định vị trên điện thoại rằng nhà bạn gần một trung tâm dưỡng lão, cứ tới đó đi, bạn sẽ đứng chờ. Xe ôm thả tôi xuống chỗ buồn hiu đó cả buổi, tôi lựng khựng tìm hoài mà không thấy ông già lòng khòng xương xẩu đâu. Và khi tha thẩn ở cuối đường tôi bỗng nhớ mình đã qua đây, đã đi về phía con hẻm vuông góc với chỗ tôi đang đứng, chui vào căn nhà tuềnh toàng của bạn, mười năm trước.
Tôi hôm ấy run rẩy như con mèo ốm o bị ướt, khi tới nhà ông “Đồng gió”, “Nhớ khói” mà tôi đã ngưỡng mộ lâu rồi. Để lần đầu tiên biết nhà văn cũng có hai mắt một mũi như mọi người, cũng hài hước, cũng lơ tơ mơ, cũng nghèo…
Cái hồi ức mười năm làm tôi hơi hoảng, mười năm qua tôi đã đi tới đâu, tận những chân trời nào, sao không thăm lại ? Tôi loay hoay với câu hỏi đó khi ngồi chơi với vợ bạn, để đợi bạn đang vẫn còn ngóng đón tôi đâu đó ngoài đầu hẻm. Đến sắp gặp nhau rồi mà lẻ vẫn đuổi theo vẫn so le, trục trặc. Nối lại loay hoay như thể đã bị đứt lìa lâu quá…
Trong nhóm bạn già mà tôi hay lân la, bạn trẻ nhất. Mỗi lần gọi điện cho bạn, và nghe bên kia hịch hạc bảo, “ê nói nghe nè…”, như hai đứa trẻ con thầm thì, như bạn không cách tôi hai mươi lăm tuổi đời và hai trăm cây số.
“Ê nói nghe nè, mầy viết ác vừa vừa thôi, tao không chịu…”
“Ê nói nghe nè, có cái truyện trên Văn nghệ được lắm, sao không đọc ?”
Tôi không mảy may nghi ngờ việc bạn sẽ còn rầy rà tôi đến vài ba chục năm nữa, dù nhiều lần bạn nói bâng quơ “ê nói nghe nè dạo này sao tao nghĩ nhiều về cái chết, làm như đã đi gần tới nó nên ngửi được mùi thấy mờ mờ dung nhan nó rồi”. Tôi nghe có chút dửng dưng, chuyện đó thường thôi, thậm chí đôi khi tôi còn rờ đụng nó mà. Bỗng có bữa đầu dây bên kia bỗng rã rời, “ê nói nghe nè, tự dưng tao thấy đời buồn hiu, mậy…”.
Tôi ngớ ra trong giây lát, bởi chưa từng nghĩ bạn cũng buồn. Hồi biết bạn tới giờ lúc nào cũng gặp nhau giữa bạn bầy đông đúc, trong tôi mặc định bạn là con người của hội hè, tạo ra hội hè. Cứ cất tiếng “ê nói nghe nè, làm vài ly đi…” thì ai nấy hồ hởi đáp lời ngay. Cái chất hào sảng, chịu chơi của dân miền Tây mà phải chịu nỗi một mình thì vô lý.
Nhưng giờ quanh bạn thưa đi những tiếng vọng. Những cuộc rượu nếu có chảy về phía ông, cũng bằng một hình thức khác. Nhiều khi nhậu nhẹt bọn tôi đã lấy bạn ra làm mồi cho đỡ lạt miệng. Bọn tôi nhắc chuyện bạn thấy đồng nghiệp bị vợ bạc đãi nên bất bình nhảy ra bênh, ngoay đầu đánh chị kia cho chừa ai ngờ ông chồng nổ xung thiên cự lại “sao mầy đánh vợ tao ?”. Hay chuyện hết tú tài bạn định đi vào cứ theo cách mạng, ngồi chờ tàu đò lâu quá tự dưng thấy… nản, bạn quay về bị chính quyền Sài Gòn bắt lính, ngót bốn năm làm anh binh sĩ ngồi bàn giấy, một bữa pháo lạc bầy tiễn về nhà với gương mặt có vết sẹo dài. Hay chuyện bạn giấu tiền dưới mấy cục gạch tàu lót nền, định xài riêng mà quên biệt, chừng xây lại nhà người ta thấy tiền rải đầy dưới đó. Hay chuyện bạn buồn ngủ quá mà tiếc cảnh vật đường xa nên bôi dầu gió vào mắt cho chúng đừng ríu lại. Hoặc chuyện bạn bỏ quên cái mắt kính trong phòng vệ sinh nữ, hồi đại hội.
Những câu chuyện ngộ nghĩnh ba hư bảy thực về bạn làm bữa rượu bỗng ngon hơn với những tràng cười nghiêng ngã, cười đến chảy nước mắt ra… Ôi ôi ông ơi bọn tôi vui quá. Sau phút giây ràn rụa ấy, bỗng ràn rụa trong tôi cái ý nghĩ ở trong một cái nhà nhỏ bừa bộn chật chội nằm trên hẻm nhỏ giữa lòng thành phố Long Xuyên, biết đâu chủ nhân của những huyền thoại đang uống rượu một mình.
Tôi vẫn hay thấy tuổi già của mình khi soi vào bạn. Bỗng trái tính trái nết, bỗng bạn bè đâu hết, thấy lẻ cả ở trong nhà mình. Đau đáu nỗi đời không biết nói với ai nên sà vào cuộc vui nào cũng tuôn cho đã cơn thèm, nào văn chương nào tôn giáo, nào cái ác nhiễu nhương… Xưa góp vui người ta gọi mời, giờ góp ưu phiền người ta ngại rủ lại chơi, thành ra bị bỏ rơi, thành ra bọn tôi cứ luẩn quẩn đi theo cái vòng cô đơn vô tận.
Hết duyên rồi. Như chữ bạn vẫn thường dùng khi nói về cô bạn thân hồi trước. Phụ bạc luôn len lỏi trong máu của mỗi người. Và những cuộc bỏ rơi nhau vẫn đang xảy ra ở đâu đó.
Từ ngày biết bạn cũng hay buồn, chập chờn mãi trong tôi hình ảnh một ông già mở ti vi cho nó oang oang và ngồi uống rượu một mình. Tới nhà chơi bỗng thấy may là bạn còn có sách ở bên, quơ tay đâu cũng đụng, mắt ngó đâu cũng thấy, chân đi đâu cũng vấp. Bạn vẫn ham, vẫn như đói ngấu mỗi khi gặp bất cứ cuốn sách nào. Tôi không còn thấy xa xót bồn chồn. Mang theo cuốn tản văn của Sandor Marai đọc lúc dọc đường, tôi để lại cho bạn. Cuốn sách này sẽ ở mãi đây, ngay cả khi tôi đã quay lưng đi khỏi.
Một cuốn sách thì cả khi chìa gáy ra, người ta cũng nhận được một cái gì đó ấm áp, trao gửi.
***
Tập truyện ngắn có đến vài ba chục chuyện, mỗi truyện đều ngắn không quá 3 trang giấy. Cô Tư lại cặm cụi góp nhặt, kể láp giáp vài ba câu chuyện thấy được, nghe được chân thật gì đâu. Dù đan xen nhiều câu chuyện, vẫn là không đầu không đuôi nhưng dễ thấy chủ đề chung của tập chuyện đều xoay quanh 2 chữ “tiếc nuối”. Bởi những gì hào hùng, hoành trang, thiên nhiên bởi đồng tiền, danh vọng, xã-hội-cần-phái-phát-triển mà đạp đổ hết mọi công sức, cái hay cái đẹp của cả một thời vàng son.
“Gáy người thì lạnh, tay người ấm không”
Tôi biết đến Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khá lâu trước đây, tôi cũng biết văn cô được nhiều người yêu mến. Nhưng tôi ít khi nào bỏ tiền ra mua một cuốn sách của tác giả Việt (trừ sách bác Ánh hoặc sách của bạn bè mà tôi mua để ủng hộ) bởi tôi luôn muốn khám phá những điều mới mẻ về khoa học hay về tôn giáo, thứ có trong những cuốn sách như “Hai vạn dặm dưới đáy biển” hay như cuốn “Hành trình về phương Đông”. Đều là sách của nước ngoài cả. Đọc những cuốn ấy khiến tôi thích thú, mê mẩn và say đắm. Cũng giống như khi ra rạp xem phim, hiếm khi nào tôi chọn một bộ phim Việt để mà xem, bởi tôi thấy “phim bom tấn nước ngoài đáng xem hơn nhiều”.
Tôi đâu nào ngờ có một ngày tôi lại bị chìm đắm vào thứ văn chương của cô Tư – một người Việt kể những câu chuyện rất đỗi thân quen, rất đỗi Việt Nam; nhưng từng câu chữ của cô khiến lòng tôi xao động, nghẹn ngào khó tả.
Tôi đặt cuốn sách “Gáy người thì lạnh” để đơn hàng mua trên mạng đủ tiền được freeship, cũng chẳng trông đợi gì nhiều. Nhưng cô Tư khiến tôi cảm thấy mình được hời (so với giá bìa 55 nghìn của cuốn sách).
Chỉ là một cuốn tản văn, gồm nhiều bài tản mạn ngắn, vậy mà cô Tư có thể đi thẳng vào lòng tôi rồi nhen nhóm trong tôi một ngọn lửa tình mãnh liệt – tình quê hương, đất nước. Ngọn lửa ấy đem đến thứ ánh sáng giúp tôi nhìn thấy một tuổi thơ mình đã đi qua, đã khốn khó nhưng ngây thơ và hạnh phúc như thế nào. Ngọn lửa ấy soi rọi những mất mát, những đổi thay mà tôi đã quá đỗi vô tâm nên chẳng thèm dòm ngó tới. Ngọn lửa ấy còn khiến tôi như vỡ oà ra, mình đã từng vô tâm đến thế, đầu ngập tràn những định kiến đến thế. Để rồi khi gấp cuốn sách lại, tôi thấy một tôi khác hơn.
Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh như bây giờ, trong những ngày cách ly trời âm u xám xịt; tôi nghĩ cuốn sách nhỏ bé này phù hợp cho chúng ta đọc vào một chiều sau giờ ngủ dậy, để thấy trân trọng cuộc sống nhiều hơn, bất kể là thứ gì, bên cạnh chúng ta.
“Bởi chúng ta đã vô tâm quá đỗi, nên chúng ta cần những khoẳng lặng để sống chậm hơn, để trân trọng và thấu hiểu hơn!”
– Jenny Nguyễn Review
***
Mời các bạn đón đọc Gáy Người Thì Lạnh của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.