Trên bến cảng Lisbon sầm uất, có hai con người, với hai con đường khác nhau, đang cùng tồn tại. Một người mong được bỏ lại sau lưng tất cả, rẽ sóng đến chân trời của an toàn và tự do; một kẻ muốn trở về khi còn món nợ chưa nguôi từ chuỗi ngày trốn chạy triền miên khỏi cánh tay bạch tuộc của bọn mật vụ. Định mệnh đẩy họ vào cuộc gặp gỡ không báo trước và người này chấp nhận trở thành nơi lưu giữ những ký ức của người kia, thứ ký ức đớn đau không còn mang theo nổi.
“Chúng tôi bám vào nhau trên một bờ vực của thế giới khác. Không có cách nào quay lui, chẳng rõ nơi đến, chỉ biết là bay lên, cùng với nhau, và cùng thất vọng, một nỗi thất vọng trầm lặng, siêu thực: nó uống cạn những giọt nước mắt thầm lặng vì chỉ biết rằng cứ phải đi, không đường trở lại mà cũng chẳng có nơi nào để đến.”
***
Review của Phuc Hieu:
Erich Maria Remarque, một bậc thầy kể chuyện người Đức, dường như đối với ông, việc “bịa” ra một cuộc đời ai đó quá sức dễ dàng, mà cũng có thể, chúng là thật.
Đêm Lisbon, đêm cuối cùng trước khi chuyến tàu chở những con người trốn chạy khỏi châu Âu tìm đường sang đất Mỹ tự do, có những kẻ đang vật vã khốn cùng tìm cho mình cơ hội lấy một tấm vé hay một con dấu nước Mỹ trên tấm hộ chiếu. Nhân vật kể chuyện của Remarque là một kẻ đang đi tìm chiếc phao cứu sinh đời mình. Anh ta dốc tiền vào canh bạc nhằm tìm vận đổi đời để có thể mua lại chiếc vé tàu từ ai đó, rủi thay, số tiền rơi vào tay kẻ khác. Đen bạc đỏ tình. Có lẽ vậy.
Anh gặp một người đàn ông giữa đêm khuya, người nằng nặc đòi anh phải theo hắn vào quán bar- chỉ để lắng nghe câu chuyện đời hắn và đổi lại – anh sẽ có được chiếc vé hộ mệnh để sang thiên đường Mỹ quốc.
Người tị nạn phải đang lâm vào tình cảnh nguy hiểm hoặc là nghệ sĩ, nhà khoa học và trí thức nổi tiếng thì mới mong được chào đón ở nước Mỹ.
“Cái lối phân biệt giữa con người tầm thường và con người có giá trị chẳng phải có chút bà con gần xa với cái quan niệm siêu nhân đối lập với lũ người sâu bọ của bọ Quốc xã đó sao?”, Remaque đã mượn nhân vật mình thốt lên những lời cay nghiệt ấy.
Cứ như thế trong đêm tối, họ lang thang tới vài quán bar cho đến khi trời sáng để hắn có thể tâm sự hết cuộc đời mình – những tháng ngày tù đày tha hương của một kẻ bị ngay chính người anh vợ George, vốn là một tên phát xít Đức yêu nước điên cuồng tố cáo vùi dập hạnh phúc của chính cô em gái mà hắn yêu thương đến mức đáng sợ.
Cuộc đời một người Do Thái như hắn có khác gì người đang ngồi nghe hắn kể lể đâu, nhưng có điều hắn cần phải kể, bởi như thế mới giúp hắn giải thoát khỏi cuộc đời của tấm hộ chiếu mang tên người đàn ông khác Schawarz. Những năm tháng ấy người ta chối bỏ tên thật và khoác lên mình tên kẻ đã chết hòng mong tồn tại. Schawarz thay vì trốn chạy đến hết cuộc đời, hắn đã trở lại quê nhà tìm người vợ thân yêu sau năm năm ròng ly biệt. Các nhân vật nam trong những tác phẩm khác của Remarque đều đau đáu về cố hương và những người phụ nữ yêu dấu. Cặp vợ chồng đã lên kế hoạch trốn chạy khỏi nước Đức, mà kẻ đầu tiên chính là người anh máu mủ của cô vợ Helen. Họ trải qua những tháng ngày đẹp đẽ của dân tị nạn với tình yêu thương nồng nàn và cả sự chia cắt khốn khổ. Thế nhưng giữa lúc hạnh phúc đoàn viên ngập tràn, căn bệnh ung thư của Helen đã bộc phát. Chiến tranh ư? Mặc kệ. Lúc này đối với họ cuộc chiến của một kẻ hăm hở đi Mỹ và một con người đang chờ chết mới tàn bạo làm sao.
Đêm Lisbon hôm ấy chào đón một linh hồn phụ nữ quyết định đương đầu với thần chết, một kẻ chối bỏ tương lai để báo thù và một kẻ sẵn sàng đón nhận vận may rủi. Đêm ấy nỗi sầu lắng đọng trong bầu không khí tĩnh mịch, trên những con tàu nằm lặng lẽ ở bến cảng và những kẻ tha hương đang mòn mỏi ngóng chờ một hồi tàu vang lên để giã biệt Lisbon và màn đêm u tối của xứ sở châu Âu lụi tàn.
Remarque (1898 – 1970) là nhà văn lừng danh người Đức. Ông nổi tiếng với Phía Tây không có gì lạ, một trong những tác phẩm hay nhất về Thế chiến I. Các tác phẩm tiêu biểu khác của ông như Ba người bạn, Khải hoàn môn, Đêm Lisbon…cũng góp phần không nhỏ trong việc khẳng định tài năng và danh tiếng của ông khắp năm châu. Năm 1931, ông được đề cử cả giải Nobel Văn chương và Hòa bình.
Bia mộ đen (Der schwarze Obelisk – 1956) một lần nữa cho thấy thiên bẩm của Remarque trong việc nhìn ra được niềm vui, lạc quan và những điều tốt đẹp giữa khổ đau, tuyệt vọng và xấu xí. Nhận xét về tác phẩm này, cây bút F.T. Marsh của tờ New York Herald Tribune từng viết: “Dí dỏm nhưng đượm buồn, vừa nghiêm túc lại có chút giang hồ, tuyệt diệu trong từng câu chữ nhưng vẫn khó nắm bắt vô vùng”.
Những tác phẩm tiêu biểu:
- Phía Tây không có gì lạ;
- Khải hoàn môn;
- Ba Người Bạn
- Đường về;
- Tia lửa sống;
- Bia mộ đen;
- Chiến Hữu
- Bản Du Ca Cuối Cùng
- Lửa Yêu Thương Lửa Ngục Tù
- Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết
- Bóng Tối Thiên Đường
- Đêm Lisbon
Tôi chăm chú nhìn con tàu buông neo trên sông Tagus, đèn thắp sáng rực rỡ. Mặc dầu tôi ở lại Lisbon đã được một tuần lễ, tôi vẫn chưa quen được với cái ánh sáng rực rỡ vô tư lự của nó. Ở những miền đất nước mà tôi đã ra đi, thành phố tối đen như hầm mỏ than, và ngọn đèn lồng trong bóng đêm còn kinh khiếp hơn bệnh dịch thời Trung Cổ. Và đó là châu Âu của thế kỷ hai mươi.
Đó là con tàu chở hành khách; nó đang được chất hàng. Tôi biết nó sẽ ra khơi vào chiều ngày hôm sau. Trong ánh sáng gay gắt của những bóng điện trần, những thùng thịt, cá, thực phẩm đóng hộp, bánh mì và rau tươi đang được đưa xuống hầm chứa hàng. Công nhân bốc dỡ đưa hành lý lên tàu, nâng những thùng, những kiện hàng lên tàu một cách lặng lẽ, tưởng như chúng nhẹ tênh. Con tàu đang được chuẩn bị để làm một cuộc hành trình – như con tàu cứu rỗi vào thời Hồng thủy. Nó đúng là một thuyền cứu rỗi. Bất kỳ chiếc tàu nào rời châu Âu vào những tháng đó của năm 1942 cũng là một tàu cứu rỗi. Đỉnh Ararat[*] xưa kia nay là nước Hoa Kỳ, và nước lũ dâng cao lên từng ngày. Đã lâu nó ào vào nước Đức và nước Áo, nay nó làm chìm ngập Ba Lan và Praha; rồi đến lượt Amsterdam, Brussels, Copenhagen, Oslo và Paris. Tiếp theo là các thành phố nước Ý đã nghe nó thấm rỉ vào, và cả Tây Ban Nha cũng không thoát được. Bờ biển Bồ Đào Nha trở thành niềm hy vọng cuối cùng của những người tị nạn mà công lý, tự do và lòng khoan dung đối với họ có giá trị hơn cả quê hương và cuộc sống. Nơi đây là cửa ngõ vào Hoa Kỳ. Nếu bạn không đến đó được, tức là bạn hết thời, bạn sẽ phải mòn mỏi tiêu hao trong đám rừng rậm của những tòa lãnh sự, đồn cảnh sát, và những cơ quan chính phủ, nơi đây hộ chiếu bị từ chối, công việc làm ăn và giấy phép cư trú không thể có, cả một rừng chằng chịt những trại tập trung, cả một hệ thống giấy tờ thủ tục hành chánh, nỗi cô đơn, nhớ nhà và sự lãnh đạm khô héo của mọi người. Như thường lệ trong thời chiến, sợ hãi và ưu phiền, cả đến sinh mạng cá thể của con người cũng không còn có nữa. Chỉ một điều duy nhất là đáng kể: một tờ giấy thông hành có giá trị.
Tối hôm ấy tôi đến sòng bạc Casino Estoril để đánh bạc. Tôi còn giữ được một bộ quần áo tươm tất nên họ để tôi vào. Đây là cố gắng cuối cùng và tuyệt vọng của tôi để thách đố số phận. Giấy phép cư trú tại Bồ Đào Nha của chúng tôi trong vài ngày nữa là hết hạn, mà tôi và Ruth chẳng có giấy hộ chiếu nào khác. Khi ở Pháp, chúng tôi đã vạch kế hoạch và liệt kê danh sách các chuyến tàu có thể đi New York. Con tàu bỏ neo tại sông Tagus này là chiếc sau cùng có ghi trên danh sách của chúng tôi. Vé tàu thì đã bán ra từ nhiều tháng nay; mà chúng tôi lại không có dấu nhập cảnh Hoa Kỳ, và còn thiếu hơn ba trăm đô la để mua vé. Ít ra tôi cũng cố gắng nâng số tiền này lên bằng cách còn có thể được đối với một người nước ngoài tại Lisbon, đó là đánh bạc. Thật là một ý nghĩ điên rồ vì nếu tôi đánh bạc có ăn đi nữa thì cũng phải có thêm một phép lạ chúng tôi mới lên tàu được. Nhưng trong lúc hiểm nguy và tuyệt vọng, bạn thường tin tưởng vào phép màu, nếu không bạn sẽ chìm luôn.
Tôi đã thua mất năm mươi sáu đô la trong số sáu mươi hai đô la chúng tôi còn lại.
Đêm đã về khuya và bến tàu thì gần như hoang vắng. Nhưng một lát sau tôi nhận ra có một người đàn ông cách tôi không xa. Lúc đầu thì hắn thả bộ phất phơ, sau đó hắn dừng lại và cũng bắt đầu chăm chú nhìn ra con tàu. Lại một kẻ tị nạn bị bỏ rơi, tôi chợt nghĩ, và không chú ý đến hắn nữa, cho đến lúc tôi có cảm giác là hắn đang nhìn tôi. Dân tị nạn không bao giờ đánh mất nỗi lo sợ đối với cảnh sát, dù là trong giấc ngủ hoặc trong lúc chẳng có gì phải sợ hãi cả. Bởi thế nên tôi quay đi, giả vờ như dửng dưng chán chường và bắt đầu chậm rãi rời khỏi cầu tàu, như một người chẳng có gì phải lo sợ cả.
Một lúc sau, tôi lại nghe tiếng bước chân đằng sau. Tôi vẫn tiếp tục đi mà không vội vã, vừa tự hỏi làm sao tôi có thể báo cho Ruth biết tin nếu tôi rủi bị bắt. Những ngôi nhà màu tùng lam ở cuối cầu tàu ngái ngủ như những con bướm đêm, đối với tôi thật vẫn còn quá xa để tôi có thể chạy đến đó và biến mất trong mấy đường phố quanh co chằng chịt.
Giờ đây thì hắn đã đứng ngay bên cạnh tôi.
— Ông là người Đức? – Hắn hỏi tôi bằng tiếng Đức.
Tôi lắc đầu và tiếp tục bước đi.
— Người Áo?
Tôi cũng không trả lời. Tôi nhìn những ngôi nhà màu tùng lam đang tiến lại gần một cách quá chậm chạp. Tôi thừa biết có những cảnh sát viên người Bồ Đào Nha nói tiếng Đức rất thạo.
— Tôi không phải là cảnh sát. – Gã đàn ông nói.
Tôi không tin lời hắn. Hắn mặc thường phục, nhưng đã có năm bảy lần những người mặc thường phục bắt tôi ở châu Âu. Tôi có giấy tờ tùy thân, vốn là một tác phẩm không đến nỗi tệ lắm do một giáo sư dạy toán người gốc thành phố Praha ở Paris thực hiện, nhưng nếu bị kiểm tra kỹ thì chắc sẽ không chút giá trị gì.
— Tôi thấy ông nhìn con tàu, – Người đàn ông nói, – Điều đó khiến tôi nghĩ rằng…
Tôi dửng dưng nhìn hắn ta. Thật tình thì hắn chẳng có vẻ gì là cảnh sát cả, nhưng người đàn ông mặc thường phục mới đây đã tóm cổ tôi ở Bordeaux lần vừa rồi cũng có vẻ thảm hại như Lazarus[*] khi ra khỏi mồ sau ba ngày, ấy thế mà hắn lại là kẻ tàn bạo nhất trong đám. Hắn đã bắt tôi, dẫu hắn biết qua hôm sau quân Đức sẽ có mặt tại đó, và đời tôi kể như chấm dứt nếu không có tên cai ngục tốt bụng thả tôi ra vài giờ sau đó.
— Ông muốn đi New York không? – Người đàn ông hỏi.
Mời các bạn đón đọc Đêm Lisbon của tác giả Erich Maria Remarque.