Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn là cuốn sách bàn về phương pháp giáo dục trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi của tác giả Ibuka Masaru, người sáng lập tập đoàn Sony đồng thời là một nhà nghiên cứu giáo dục.
Dựa trên những nghiên cứu về sinh lý học của não bộ và di truyền học, ông đã khẳng định sự phát triển về trí tuệ và năng lực của trẻ được quyết định trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, giai đoạn này là “thời kỳ thích hợp” để “nuôi dạy một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ, có trí tuệ thông minh và khỏe mạnh”.
Nghe thì có vẻ không hợp lý cho lắm, bởi chúng ta, đặc biệt là các bậc cha mẹ Việt thường quan niệm rằng một đứa trẻ ở độ tuổi này vẫn chưa đủ nhận thức để có thể hiểu những gì chúng ta nói, huống hồ gì là giáo dục. Nhưng bằng những chứng cứ khoa học trong suốt nhiều năm nghiên cứu của mình, ông Ibuka đã chỉ ra rằng chính sự chưa trưởng thành khiến trẻ em sơ sinh có khả năng vô tận. Hãy so sánh trẻ em với những loài động vật khác trong thế giới tự nhiên. Khi chúng được sinh ra, chúng đã có những bản năng cơ bản như có thể tự đi lại, có thể tự bơi sau một vài giờ đồng hồ. Nhưng con của chúng ta lại không biết gì ngoài việc khóc và bú.
Chúng như những tờ giấy trắng mà các bậc cha mẹ có thể viết gì lên đó cũng được. Ngoài ra, bộ não con người gồm có khoảng 14 tỉ tế bào não và chúng sẽ được liên kết với nhau để xử lý toàn bộ nhận thức thông tin. Tiếp nhận các kích thích bên ngoài càng nhiều bao nhiêu thì các liên kết hình thành càng nhiều bấy nhiêu. Ấy vậy mà, đến khoảng 3 tuổi trẻ đã hoàn thành 70 – 80% các liên và có trọng lượng não bằng 80% não người lớn. Nếu xem bộ não như một CPU của máy tính thì giai đoạn 0 đến 3 tuổi là thời gian để hoàn thành ổ cứng và từ 4 tuổi trở đi là thời gian để update các phần mềm. Như vậy, tính cách, khả năng tư duy, liên kết sự việc và sáng tạo của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sự giáo dục trong giai đoạn sơ sinh thay vì phải chờ trẻ trưởng thành.
***
Đôi nét về tác giả
Ibuka Masaru (1908-1997) sinh ra ở tỉnh Tochigi, một tỉnh nằm ở phía bắc Tokyo. Ông tốt nghiệp khoa Khoa học và Công nghệ, trường Đại học Waseda. Năm 1946, ông đã sáng lập ra công ty Công nghệ viễn thông Tokyo (Tokyo Tsushin Kogyo), chính là công ty tiền thân của công ty điện tử Sony.
Năm 1950, với cương vị chủ tịch, ông đã xây dựng, phát triển công ty Sony trở thành công ty điện tử nổi tiếng trên thế giới. Năm 1969, ông thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục trẻ tuổi ấu thơ” và giữ chức chủ
tịch. Ông đã dành rất nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục trẻ thơ. Ông được vinh danh là người sáng lập, đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị của Sony. Năm 1989, ông được nhận huân chương “Thành tựu văn hóa” của Bộ
Giáo dục Nhật Bản. Ngoài ra ông còn nhận huân chương văn hóa “Bunka-kunsho”, huân chương “Kyojitsu Daiịusho”. Tác phẩm nổi tiếng cùng đề tài của ông là “Lên chiến lược từ 0 tuổi” (Nhà xuất bản Koshabunko). Ông mất năm 1997.
***
Lời tác giả
“Con đường đưa tôi đến với sự nghiệp giáo dục trẻ tuổi ấu thơ”
Đã hơn 25 năm kể từ khi tôi tham gia vào sự nghiệp nghiên cứu giáo dục trẻ tuổi ấu thơ. Nói đến chuyên môn “giáo dục” thì tôi hoàn toàn chưa hề có kinh nghiệm gì, nhưng cũng chính vì không phải là một chuyên gia nên tôi lại có thể nhìn thấy rất nhiều khía cạnh khác mà những chuyên gia trong ngành giáo dục khó nhìn ra được, và chính điều đó đã giúp tôi có hướng nghiên cứu riêng của mình.
“Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” được xuất bản năm 1971, là cuốn sách đầu tiên tổng hợp những kiến thức và lí luận của tôi về phương pháp giáo dục cho trẻ tuổi ấu thơ xuất phát từ quan điểm nhấn mạnh đến khả năng hấp thu kiến thức vô hạn của trẻ ở thời kì ấu thơ (giai đoạn từ khi mang thai đến trước khi đi học tiểu học). Sau đó, những tiến bộ trong nghiên cứu về sinh lí não và y học đã lần lượt công nhận những khả năng tuyệt vời của trẻ sơ sinh và trẻ ở thời kì bú sữa mẹ. Chính những khám phá ấy đã làm cho suy nghĩ
của tôi về giáo dục sớm ở trẻ cũng từng bước thay đổi theo. Tôi nhận ra rằng
“Thời kì thai giáo” chính là thời kì vô cùng quan trọng trong giai đoạn ấu thơ.
Những quan điểm của tôi về nội dung và các giai đoạn của giáo dục cho trẻ tuổi ấu thơ đã thay đổi rất nhiều qua mỗi cuốn sách. Các bạn có thể nhìn thấy điều đó khi tham khảo quyển “Lên chiến lược từ 0 tuổi”. Tuy nhiên duy nhất có quan điểm “Nhân cách và tính cách của trẻ tùy thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ từ khi còn nhỏ” thì không những không thay đổi, mà nó còn được tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ hơn theo thời gian. Tôi sẽ vô cùng vui mừng nếu các bậc cha mẹ có thể tham khảo những quan điểm về giáo dục sớm của tôi ở trong cuốn sách này để nuôi dạy con mình.
(Trích “Đôi lời nói đầu” trước khi xuất bản – NXB Aizo năm 1991)
***
Lời người dịch
Cuốn sách “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” là một trong những tác phẩm về nuôi dạy trẻ được cha mẹ Nhật ái mộ nhất. Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1971, cuốn các bạn đang cầm trên tay là cuốn đã được biên soạn lại và tái bản vào năm 2008. Bằng những quan sát từ thực tế hàng ngày tôi nhận thấy có rất nhiều điều được viết trong cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”
đã được cha mẹ Nhật áp dụng để nuôi dạy con cái mình. Đó cũng là lí do vì sao tôi rất muốn cuốn sách này đến được với độc giả Việt Nam.
Những kiến thức về giáo dục trẻ sớm ở giai đoạn ấu thơ được khởi xướng ở Nhật từ rất lâu nhưng thực sự rõ nét nhất là cách đây 40, 50 năm bởi các nhà giáo dục học, tâm lí học, bác sĩ. Họ đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ
phía các bậc phụ huynh và truyền thông, và một bộ phận những nhà trí thức, học giả khác vì cho rằng giáo dục sớm là ép con thành thần đồng, là giết chết tuổi thơ của con trẻ, phá hỏng mối quan hệ và tình cảm giữa cha mẹ với con cái, gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của xã hội sau này…
Nhưng rồi cùng với sự tiến bộ trong khoa học và những nghiên cứu thực tế đã chứng minh cho mọi người hiểu rằng giáo dục sớm chỉ là một “thời điểm vàng” để giúp trẻ phát huy hết những khả năng tiềm ẩn mà trẻ có, là thời kì lí tưởng nhất để nuôi dưỡng trẻ cả về tâm hồn và trí tuệ mà nền tảng chính là tình yêu thương và sự kiên nhẫn của cha mẹ. Sau đó giáo dục sớm giai đoạn trước khi đi học đã được chính phủ Nhật coi trọng hơn và áp dụng ở những bậc như giáo dục ở nhà trẻ, giáo dục mầm non vì tính đúng đắn của nó. Cùng với sự phổ cập kiến thức từ các cuốn sách được viết bởi những nhà giáo dục, sự hình thành các trung tâm tư vấn để hỗ trợ việc nuôi dạy trẻ, mà giờ đây hầu hết phụ huynh Nhật đều đã áp dụng những phương pháp dạy dỗ, chú trọng uốn nắn con mình từ khi mới lọt lòng.
Những kiến thức về giáo dục trẻ tuổi ấu thơ ở Nhật mà cuốn sách “Chờ
đến mẫu giáo thì đã muộn” hay rất nhiều cuốn sách khác đề cập đến dường như đã trở thành một điều hiển nhiên để cha mẹ Nhật áp dụng vào thực tế
với con cái mình. Có thể kể rất nhiều ví dụ như trò chuyện với trẻ và đọc truyện cho trẻ nghe từ lúc lọt lòng; cho trẻ nghe nhạc và học nhạc từ sớm; dạy chữ sớm cho trẻ; cho trẻ chơi đồ chơi ghép hình, đồ chơi phát huy khả
năng sáng tạo chứ không cho xem tivi, nghịch điện thoại; dẫn trẻ đi dạo, đi công viên, viện bảo tàng; để trẻ tự lập, tự xúc ăn và tự làm vệ sinh cá nhân chứ không làm thay trẻ; không la mắng khi trẻ làm sai; khuyến khích trẻ khi trẻ có hứng thú với cái gì; khen ngợi hành động của trẻ để khích lệ; không so
sánh trẻ với anh em hay với bạn bè; không áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ
mà luôn tôn trọng suy nghĩ và phát ngôn của trẻ… Chính điều đó đã khiến trẻ
em Nhật đều tự lập từ rất sớm, ngoan ngoãn và lễ phép, được làm những gì chúng yêu thích, tìm ra đam mê của bản thân ngay từ khi còn rất nhỏ.
Một cuốn sách, nhất là sách về nuôi dạy trẻ thơ, cần phải được dịch bằng chính tâm hồn chứ không phải việc chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ
kia. Với tư cách là người dịch, mong ước lớn nhất của tôi là có thể truyền tải được hết những thông điệp mà tác giả Ibuka Masaru muốn gửi gắm đến cách bậc làm cha mẹ. Mong rằng người đọc có thể tìm được một điều gì đó hữu ích cho mình khi đọc xong cuốn sách này.
Nguyễn Thị Thu
***
Từ trước đến nay chúng ta vẫn luôn tin rằng tài năng xuất chúng của những thiên tài hay thần đồng là do gene di truyền hoặc là do huyết thống.
Khi nghe những câu chuyện như thần đồng âm nhạc người Áo W. A. Mozart (1756-1791) 3 tuổi đã có thể biểu diễn piano, hay là J. S. Mill 3 tuổi đã có thể đọc thành thạo những tác phẩm cổ điển bằng tiếng Latinh, hầu hết chúng ta đều suy nghĩ rất đơn giản rằng “Đúng là thiên tài, ngay từ khi mới sinh ra đã khác người thường rồi”.
Nhưng nếu như tìm hiểu kĩ về thời ấu thơ của những thiên tài ấy thì chúng ta mới biết rằng, cả cha mẹ của W. A. Mozart và J. S. Mill đều là những người vô cùng nhiệt huyết với việc áp dụng phương pháp giáo dục sớm. Họ
đã dạy dỗ con mình rất nghiêm khắc và có định hướng rõ ràng ngay từ khi con họ còn ở thời kỳ ấu thơ. Điều đó chứng tỏ rằng cả W. A. Mozart và J. S.
Mill đều không phải là thiên tài ngay từ khi mới sinh ra, mà tài năng xuất chúng của họ là kết quả của việc được nuôi dạy trong môi trường giáo dục sớm ngay từ khi còn ở tuổi ấu thơ.
Vậy thì câu hỏi ngược lại là những trẻ ngay từ khi mới sinh ra được nuôi dưỡng trong môi trường không lành mạnh thì sẽ trở nên như thế nào? Một ví dụ có thể coi là điển hình để minh chứng cho điều này là câu chuyện nổi tiếng về hai cô bé người sói bị bỏ rơi tên là Amala (?-1921) và Kamala (?-1929).
Tháng 10 năm 1920, vợ chồng một vị mục sư tên là J. A. L. Singh trên đường đi truyền đạo đã bắt gặp hai con vật trong một hang động ở một ngôi làng nhỏ cách Calcutta khoảng 110 km về phía tây nam. Thế nhưng khi họ
đến gần thì hóa ra hai con vật đó lại là hai bé gái được nuôi dưỡng bởi đàn sói hoang. Hai vợ chồng vị mục sự đã đặt tên cho hai bé gái là Amala và Kamala. Họ đã rất nỗ lực để đưa hai em trở về với cuộc sống của con người nhưng tiếc rằng nỗ lực ấy của họ đã không thành.
Chúng ta coi việc con người thì sẽ sinh ra con người, còn loài sói thì sẽ
sinh ra loài sói như là một sự thật hiển nhiên. Thế nhưng câu chuyện trên lại cho thấy một sự thật rằng chính môi trường và sự nuôi dạy ngay từ khi mới lọt lòng đã biến một đứa trẻ thành một con sói.
Sau khi nghe và chứng kiến câu chuyện có thật đó, tôi nhận ra rằng môi trường và sự nuôi dạy trẻ ở tháng đầu đời là vô cùng quan trọng. Xuất phát
từ suy nghĩ vì thế hệ tương lai của nước Nhật, và là vì một thế giới tốt đẹp hơn thì việc “Giáo dục ấu thơ” cần phải được suy nghĩ và nghiên cứu nghiêm túc, chúng tôi đã thành lập “Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục trẻ
tuổi ấu thơ” vào năm 1969. Đồng thời với việc tập hợp các nhà nghiên cứu trong và ngoài viện nghiên cứu để bắt đầu tiến hành nghiên cứu về nuôi dạy sớm ở trẻ, trung tâm cũng lập những lớp học giáo dục sớm cho trẻ để phục vụ cho việc phân tích sâu hơn, từ đó sẽ mở rộng và ứng dụng “Phương pháp Suzuki” – một phương pháp giáo được cả thế giới chú ý đến của nhà giáo dụcnổi tiếng Suzuki Shinichi .
Càng đi sâu vào nghiên cứu chúng tôi càng nhận ra rằng suy nghĩ của chúng ta đối với trẻ thơ từ trước đến nay đều sai lầm. Chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta đã hiểu biết tất cả về trẻ em nhưng hình ảnh thực sự của trẻ em thì chúng ta lại không hề biết. Chính bởi vậy, khi trẻ bước sang tuổi thứ 3, chúng ta mới bắt đầu lo lắng xem nên dạy gì cho trẻ. Gần đây có một nghiên cứu mang tính đột phá về sinh lí não mới được công bố với tựa đề “Sự phát triển não bộ của người đến 3 tuổi đã hoàn thiện 78- 80%”. Như vậy tế bào não của trẻ hầu như đã hoàn thiện sau khi được 3 tuổi, nên các bậc cha mẹ
cần phải dạy trẻ cái gì và dạy như thế nào ở giai đoạn tuổi ấu thơ này chính là vấn đề cần được quan tâm nhất trong phương pháp giáo dục trẻ tuổi ấu thơ.
Các bậc phụ huynh không cần thiết phải suy nghĩ thái quá rằng “giáo dục trẻ tuổi ấu thơ” là một cái gì đó ghê gớm. Bởi vì “giáo dục trẻ tuổi ấu thơ”
chỉ là một giai đoạn chuẩn bị trước khi bắt đầu vào giai đoạn giáo dục thực sự và nó là “thời điểm thích hợp” để nuôi dạy trẻ, mà người khám phá ra thời điểm đó chỉ có duy nhất người mẹ mà thôi. Bất cứ người mẹ nào dẫu biết rằng việc nuôi dạy con cái là một công việc vất vả cũng mong muốn làm tất cả những gì có thể, dành những gì tốt đẹp nhất cho con mình.
Vậy thì thông qua cuốn sách này, chúng tôi mong muốn sẽ là người hỗ trợ
cho những người mẹ nào có mong ước như vậy. Chúng tôi mong ước quyển sách này có thể giúp nuôi dạy một hoặc rất nhiều đứa trẻ nên người.
Ibuka Masaru
Ngày 20 tháng 5 năm 1971
Mời các bạn đón đọc Chờ Đến Mẫu Giáo Thì Đã Muộn của tác giả Ibuka Masaru.