Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Bây Giờ Tháng Mấy của tác giả Hoàng Hải Thủy.
Lúc “MẮT EM ĐẸP TRỜI SAO” là lúc anh nhìn thấy tình yêu trong mắt em. Những đêm trăng mùa thu sáng vàng trời khi chúng ta chung sống năm vợ chồng đầu tiên ở căn nhà đường Mayer. Em còn nhớ những đêm trăng vàng đó không em? Anh chắc em phải nhớ kỹ hơn anh. Và ngày đó anh mới bước chân vào Tình Yêu, anh đúng là một gã con trai lần đầu tiên đặt những bước chân mê đắm đi trên con đường tình ái. Lúc đó, gã con trai ấy tưởng là nó đã đi vững lắm – Gã con trai đó là Anh – nhưng thực ra anh đã đi theo bàn tay yêu đương dẫn dắt của em, anh đã đi theo bước chân em đi trên con đường Tình Ái. Lúc đó, anh mới và hãy còn là một gã con trai, còn em, em đã là một người đàn bà. Một người đàn bà đa tình và yêu thương – Đa tình với anh và yêu thương anh – Khi chúng ta mới gặp nhau, khi chúng ta mới yêu nhau.
Lúc “Mắt em đẹp trời sao” là lúc anh nhìn thấy trời sao trong mắt em. Có người nào trên cõi đời này, nói là “tôi đã yêu, tôi đã được yêu” mà lại ngẩn ngơ trả lời “tôi chưa hề trông thấy trời sao trong mắt người–tôi–yêu–và–người–yêu–tôi”. (Em chú ý : ở đây anh đánh năm bẩy cái dấu gạch nối, vì yêu là gần gũi, vì yêu không phải là xa rời, vì khi yêu xa nhau cũng vẫn là gần nhau, vì yêu khi không được yêu lại người yêu chân chính cũng vẫn yêu, vẫn gần người mình yêu. Vưỡn yêu, vưỡn gần. Như thường. Bây giờ khi yêu em, anh mới hiểu tại sao ở đời này, có những thằng đàng hoàng, tư cách hơn chán vạn thằng mà vẫn chịu đựng được, vẫn cứ phây phây chung sống với những con vợ ngoại tình, vẫn yêu những con vợ không yêu chúng nó mà lại yêu những thằng khác, ngủ, sung sướng với thằng khác. Anh hiểu và anh sẽ dần dần nói đến, trở lại trong những trang sau của cuốn tiểu thuyết tình dài này, của cuốn truyện kể lại lịch sử yêu đương của anh với em. Của anh mí em. Em cứ chịu khó đọc đi. Em sẽ xúc động, em sẽ cảm động và em sẽ cười, em sẽ yêu anh. Cuốn truyện này là cuốn truyện mà anh vẫn nghĩ là có ngày anh sẽ viết nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện ngày nào anh sẽ viết, và đêm nay anh viết). Bây giờ chúng ta trở lại với câu hỏi trên đây: Có người nào trên cõi đời này, nói là “tôi đã yêu, tôi đã được yêu” mà lại ngẩn ngơ trả lời “tôi chưa hề trông thấy trời sao trong mắt người–tôi–yêu–và–người–yêu–tôi”. Em đừng nghĩ và em đừng sợ rằng anh viết văn lầm cẩm rắc rối và không liên lạc. Em ơi, em đừng sợ. Chỉ cần anh viết ra là chuyện hay rồi. Người đọc sẽ hiểu là anh muốn viết gì, muốn nói gì, tại sao anh lại viết thế v.v. .. Bởi vì anh biết người đọc truyện này của anh và em phải là những người yêu đương, đã yêu đã sướng đã khổ. Bọn không yêu đương và không hề được yêu đương bao giờ không phải là người đọc truyện này. – Những người đó không đọc tiểu thuyết – Họ quảng cáo House for Rent, Cáo thị Đấu thầu công khai và khẩn hạ, Bar sang chỗ thị tứ dang đông khách huê lợi nhiều – Họ đọc giá vàng lên xuống, họ đọc tin Tầu đến Tầu đi – Họ đọc những mẩu tin cướp giật, hiếp dâm, úp hụi, ăn chơi quỵt, đàn bà đánh ghen.
Họ không đọc truyện tình yêu. Họ đọc tin người bị quân xa Mỹ cán chết, tin nhà người khác cháy, tin vợ người bỏ đi. Họ vui với những chuyện đau đớn và chết chóc của người khác.
Lại trở lại với câu – Có người nào v.v.. Không thể có người nào nói như thế mà lại trả lời như thế. Bởi vì nếu yêu thì chém chết chúng ta cũng nhìn thấy «trăng sao trong mắt người yêu» dù cho người yêu của chúng ta có mù tịt cả hai con mắt đi chăng nữa. Vưỡn nhìn thấy. Không thể không nhìn thấy. Kẻ nào không thấy là chưa yêu. Như anh đã yêu em và đã được em yêu, nên anh đã nhìn thấy «trăng sao trong mắt em», thấy «mắt em đẹp trời sao» – Bao nhiêu lần? Nhiều – Nhiều lần – Ở đâu? Ở bất cứ đâu – ở tất cả cả, ở mọi chỗ chúng ta yêu nhau và anh thò tay ra ngoài màn bật cây đèn nhỏ lên để chút ánh sáng đủ yếu để không đánh thức các con ta dậy, đủ sáng để anh nhìn rõ mặt em, để anh nhìn mắt em.
«Mắt em đẹp trời sao» rõ nhất – đúng là sao, sao đến nỗi không còn trời sao nào có thể trời sao hơn được nữa – là những đêm trăng sao mà chúng ta dắt nhau lên sân thượng của căn nhà lầu chúng ta chung sống những năm đầu tiên trong 12 năm chúng ta chung sống ở đường Mayer.
Đêm khuya mười một, mười hai giờ, sân thượng của bốn căn lầu liền nhau vắng tanh. Vào giờ đó, ở trên 312,784 sân thượng của 312,784 căn nhà có sân thượng ở Sàigòn này, chẳng có ma nào dẫn nhau lên đó trừ những người yêu nhau. Chỉ có những kẻ có tình yêu và có nhau mới nửa đêm trăng sao dắt nhau lên sân thượng. Những người yêu nhau và những kẻ chán đời. Những người yêu nhau lên đó để yêu nhau. Những kẻ chán đời lên đó để nhìn xuống đất, muốn nhẩy xuống tự tử.
Sân thượng của những nhà Việt Nam trần trụi không có gì ngoài một sân xi-măng ráp và những lỗ cửa cho người chui lên, tụt xuống. Đó là nơi dùng để phơi quần áo. Và những gia đình có anh con trai nào thích xì-po, đặt năm bẩy quả tạ trên đó để chiều chiều lên tập đẩy.
Trên sân thượng của căn nhà đường Mayer đó – năm chúng ta sống ở đó, con đường Mayer còn có tên là Mayer, năm nay nó đã có tên khác, song anh vẫn thích cái tên đường Mayer, anh vẫn muốn gọi nó là đường Mayer, một cái tên Tây hiền từ hiếm có trong số 752 cái tên Tây mất cảm tình, có những âm thanh chướng tai, nói lên nghe man rợ, đường đặt cho nhiều đường phố ở Sàigòn: Eyraud Des Vergnes, Borgnis Desbordes, Général Lizé, De Lattre de Tassigny, Mac Mahon, Dixmude, Legrand de la Lyraye v.v…
Nhưng Mayer! Cái tên nghe êm chứ. Như hai âm thanh tình tứ, như tiếng gọi : “Em ơi” – “Mayer”. Trong tình yêu của chúng ta, đường Mayer sẽ muôn năm, vĩnh viễn, ngàn đời là đường Mayer.
Mai sau, nếu có bao giờ…
Nếu có bao giờ chẳng may cho đất nước này – quê hương đau khổ – văn chương của anh có đi vào văn học sử, các anh chị học trò con cháu của anh và em sẽ phải lục tìm và kê khai con đường Mayer của anh và em là con đường nào, nằm ở khu nào, trong đô thành Saigon này.
Trên sân thượng của căn nhà đường Mayer đó, những đêm trăng mùa thu, anh đã theo em lên đó. Cả đô thành, cả trời đất này như chỉ còn có anh và em là sống. Les Amoureux sont seuls au monde. Toujours. Những kẻ yêu nhau thường chỉ có nhau là sống trên cõi đời này. Đúng đấy. Và những người yêu nhau tầm thường đã vậy rồi. Những người yêu nhau chân chính như anh và em thì còn «chỉ có nhau một mình» biết là bao nhiêu mà kể.
Và trên đó, anh đã thấy «mắt em đẹp trời sao». Em nằm ngửa trên chiếc chiếu trải trên nền xi-măng thật ráp – ráp có thể làm trầy đầu gối anh nếu anh không cẩn thận, nếu anh buông thả trong nồng nhiệt – khuôn mặt em đẹp với sống mũi cao như mũi đầm, ngước lên trời trăng sao. Ở trên đời này, có những người đàn bà khổ sở vì có những sống mũi không được cao, không tận hưởng được lạc thú ở đời vì có những sống mũi tẹt, cà chua, sư tử, huyếch. Có những người đàn bà phải vất vả sang tận Nhật để nhờ thầy sửa lại sống mũi cho cao, xẻ lại đôi mắt cho lớn, cho tình. Song em, em của anh, sống mũi đầm lai của em khi Má em sinh ra em đã đẹp.
Khi anh viết rằng em nằm ngửa và khuôn mặt em ngước lên trời trăng sao, anh không viết thừa một chữ nào hết. Anh không cẩn thận quá đâu. Có thể có người sẽ nài: đã nằm ngửa thì lẽ tự nhiên mặt mũi phải ngửa lên trời rồi, nằm ngửa mà úp xuống sao được?? Lầm. Có khi người ta nằm ngửa mà mặt vẫn úp được, nhất là khi người ta là đàn bà.
Trong kho tàng hình ảnh kỷ niệm của anh, hình ảnh em những đêm trăng đó sáng rỡ, sáng như trăng, như ngọc, như kim cương không bao giờ phai nhạt.
Đêm nay, tháng này, năm nay anh nhớ lại và tưởng như hình ảnh đó mới xảy ra đêm hôm qua. 12 năm rồi đấy. Chính em nói với anh là em đã sống với anh 12 năm, trong khi anh tưởng là mới chỉ có 10 năm. Thời gian qua thật mau mà cũng thật lâu.
Như Dudintsev viết trong truyện ngắn New Year Fable : «thời gian là một cái gì có thể co vào và dãn ra được ». Như thời gian sống trong Tình yêu qua đi thật mau, như thời gian sống trong Tình yêu thật dài.
Anh ngồi bên em, anh nằm bên em, ánh trăng chan hòa trên em như nước. Những lúc đó, anh chỉ còn biết có em, anh không ghi nhận gì về anh nữa. Cuộc sống của anh qui tụ lại quanh em, trong em. Trong tâm hồn và trong thể xác em.
Vũ trụ của anh là da thịt em, là núi ngực, rừng tóc, đùi thon, vai mởn và đùi dài; là thung lũng lưng eo, là cồn cát mông tròn gợn. Những đêm đó, tuy anh vẫn yêu em mỗi ngày, vẫn yêu em suốt ngày, anh vẫn thèm thuồng yêu em và thân thể em. Anh chống tay trên em và nhìn xuống thấy «mắt em đẹp trời sao ».
Em yêu dấu, trong truyện dài Tình yêu chúng ta, anh mở đầu bằng một bài ca. Lẽ ra ngoài việc viết tiểu thuyết, làm báo và làm cho cuộc đời anh trở nên một bài thơ dài, anh còn phải là nhạc sĩ – ít nhất – Và thi sĩ. Vì Thơ và Nhạc là tiếng nói của Tình yêu. Khi yêu, người ta không cần hát nhưng mạch máu, trái tim của chúng ta đã hát, vẫn hát.
Khi tình yêu chết, tiếng hát ngừng.
Tiếng hát sau khi Tình yêu đi được gọi là Tiếng hát đau thương, tiếng ra tuyệt vọng… cũng vẫn là tiếng hát ca tụng tình yêu. Một thứ Tình yêu đã . Đã yêu cũng vẫn là còn yêu. Tình yêu một chiều, một nhóm, đơn phương. Tình yêu không có đáp ứng. Tình yêu không được thỏa mãn. Tình yêu khi còn tiếng hát, dù là đau thương, dù có tuyệt vọng, Tình yêu vẫn chưa hết.
Lẽ ra anh ít nhất – phải là nhạc sĩ, không là nhạc công, nhạc sĩ sáng tác kia. Âm nhạc là tiếng nói của tình yêu. Tình yêu chỉ có thể thốt ra trọn vẹn bằng âm thanh, không thể trọn vẹn bằng chữ viết. Có lẽ vì chữ viết là do con người đặt ra, âm thanh là một trong số những gi Trời chế tạo và ban cho loài người dùng.
Mà cái gì của Trời vẫn quí hơn của người. Em thấy rõ nhé: bức thư tình lâm ly êm ái, gợi cảm nhất của văn chương Pháp không làm cho em, khi em còn là nữ sinh Gia Long, xúc động bằng bài Dictée khi em thi Brevet Élementaire; một truyện tình đẹp như « Hồn Không Mơ Tiên » không làm cho một cô gái Thượng xúc cảm. Nhưng một bản nhạc thì khác. Nhạc mà anh muốn nói tới đây là nhạc tình nhạc yêu, không phải thứ nhạc chọc cười hạ cấp, khiếu dâm bằng những ẩn ý. Như bài ONE DAY của Johann Strauss chẳng hạn. Nhac ca ngợi tình thì dù là nhạc nước nào, cũng là chung của tất cả thế giới. Nghe một bản nhạc tình, người ta tưởng nhớ đến ngay Tình yêu, đến người yêu, lẽ ra anh phải là nhạc sĩ. Ít nhất.
Để anh có thể ca ngợi tình yêu của chúng ta mà làm cho tất cả mọi người không hề biết tí ti về tình yêu của chúng ta cũng xúc động, để anh có thể khuyến khích mọi người hãy yêu chân thành yêu không bao giờ lỗ cả. Dù người ta có yêu mà không được yêu lại, người ta vẫn còn được yêu. Tình yêu chân chính không cần cả sự đền đáp.
Con người khi hồi tưởng kỷ niệm, có thể chỉ nhớ những khổ đau mà quên sung sướng, có thể chỉ nhớ sung sướng mà quên khổ đau, nhưng chỉ nhớ những đêm trăng đẹp mà không nhớ những đêm mưa dài, chỉ cần một đêm trăng yêu nhau bên nhau có nhau hoặc xa nhau cũng đủ làm cho người ta suốt đời xúc động mỗi khi nhìn thấy lại mặt trăng. Người đồng quê ngày xưa, thường lấy mặt trăng làm chứng khi thề nguyền yêu thương nhau, chờ đợi nhau là vì vậy.
Bấy giờ là tháng mấy ?? Những ngày chúng ta yêu thương đầu tiên ấy là mùa thu. Mùa thu là mùa của trăng và mây, mùa của tình yêu. Mùa thu ở Bắc là mùa đẹp nhất trong bốn mùa. Rất tiếc anh và em, chúng ta chưa có dịp nào sống chung với nhau ở Hà Nội. Chúng ta chưa được sống với nhau một ngày nào ở Hà Nội.
Anh muốn đưa em về miền quê hương cũ của anh nơi anh đã sống những ngày thơ ấu, những ngày anh chưa gặp em mà anh biết rằng cuộc đời này có em và mãi sau anh sẽ được gặp em, em sẽ yêu anh và chúng ta đã yêu nhau. Nhưng anh muốn đưa em về đó, điều cần nhất,trước nhất, là đời anh phải có em, anh phải tìm được em trước đã.
Anh đi tìm mùa xuân trên đời… Một việc làm không bao giờ có kết quả.
Vì làm sao anh có thể tìm được mùa xuân – không ai có thể đi tìm được mùa xuân, nhất là anh , vì em ở đâu là mùa xuân ở đó. Nơi nào không có em nơi đó chỉ có mùa đông, nơi đó bao giờ, muôn năm, vĩnh viễn… chỉ là mùa đông.
★
Ở căn nhà đường Mayer, căn phòng chúng ta ngủ, căn phòng có chiếc giường ngủ đệm bông thật đẹp và lớn của em – từ chiếc giường ngủ đó, anh nghiệm thấy rằng giường ngủ của những người đàn bà đa tình trên cõi đời này, đều lớn, êm và đẹp, đối với đàn bà đa tình, cái giường là vật quan trọng nhất – nhìn ra cửa sổ, cửa sổ nhìn sang vi-la bên cạnh, và trong vườn vi-la bên cạnh, có một cây dừa.
Lá dừa trong những đêm trường loáng ánh bạc; trong như dát vàng, như có nước chảy.
Em đã ngủ trong căn phòng đó nhiều đêm, nhưng vì không có anh, và không có tình yêu, nên em không thấy vẻ đẹp của cảnh vật. Đến những đêm có anh nằm bên em, có tình yêu, em mới thấy cảnh vật quanh em đẹp và thơ mộng :
– Anh… anh nhìn những cành lá dừa bên kia…. Đẹp quá phải không anh ??
Có một nửa đêm, em đánh thức anh dậy, để chỉ cho anh thấy những tầu lá dừa dát ánh vàng của nhà bên kia.
Và anh thấy đẹp, như anh chưa từng bao giờ thấy trăng, thấy bóng dừa trong trăng. Và sau đó, anh mất ngủ.
Những người suy nghĩ nhiều, những văn nghệ sĩ chân chính, thường bị bịnh mất ngủ. Đó là cái tật chung của những người suy nghĩ nhiều. Đã sắp chợp ngủ, tuy trong người rất mệt, chỉ cần một thắc mắc một suy nghĩ nhỏ làm bận trí, ý nghĩ vui hoặc buồn cùng vậy, là anh tỉnh ngủ luôn.
Trước nửa đêm đó, chúng ta đã yêu nhau – 6 tháng đầu tiên chúng ta chung sống, đêm nào cũng vậy. Nửa đêm em thao thức nằm bên anh, nhìn qua cửa sổ, ngắm lá dừa đẹp trong đêm trăng, em đánh thức anh dậy để anh thưởng thức. Sau đó, chúng ta lại yêu nhau.
Lần yêu nhau thứ hai trong đêm.
Và sau cuộc ái ân thứ hai đó, em đa tình hơn, nồng nàn hơn, sôi nổi hơn, mạnh mẽ hơn – em với anh bao giờ, lần nào cũng đa tình, nồng nàn, sôi nổi và mạnh như sóng cuốn, như gió thổi – song lần này em hơn, có lẽ vì cảnh trăng sáng ở bên ngoài quá đẹp – Em yêu và ân ái với trăng sáng ở trong lòng em – Rồi em mệt và em ngủ.
Và anh mệt nhưng không ngủ được.
Anh nằm bên em, nghe tiếng em thở đều, tiếng thở trong giấc ngủ lấy lại sức khỏe của một người đàn bà đa tình sau cơn ân ái với người yêu–hết mình không gìn giữ –có cái âm thanh của tiếng ngáy. Ngáy là gì? Ngáy là thở mạnh, phải không em? Đàn bà ngáy nhẹ như em đâu có xấu đâu có gì chướng tai. Miễn là ngáy nhẹ như em, đừng kéo gỗ quá lớn.
Anh nhìn khuôn mặt em bình yên, hiền lành trong giẫc ngủ và hồi tưởng lại lần đầu tiên anh gặp em, lần đầu anh nhìn kỹ nét mặt em.
Có người nói rằng và tin rằng con người ta trong giấc ngủ người nào cũng hiền lành. Nghĩa là khi ngủ nét mặt người nào cũng lành.
Anh không nghĩ thế. Trước khi gặp em, anh cho lời nói trên đây là đúng. Nhưng sau khi gặp, yêu em và nằm lặng nhìn em ngủ, anh không cho lời nói đó là đúng nữa.
Chỉ có những người tốt và yêu đương như em chẳng hạn và trẻ thơ, khi ngủ, nét mặt rất hiền, mới bình yên.
Bọn độc ác, bất nhân, bọn lòng dạ giả dối, khi chúng tỉnh giấc, có thể che dấu được những cảm nghĩ thực của chúng.
Nhưng khi chúng ngủ, chúng không giữ được, bao nhiêu xấu xa, bẩn thỉu của đời chúng, hiện cả trên mặt chúng.
Người ta khi ngủ, linh hồn cũng phiêu diêu, bay ra khỏi xác gần như là chết, khi đó, người ta còn dấu diếm được gì nữa.
Đêm đó. nhìn em bình yên ngủ tốt lành anh bỗng như nhìn thấy cả cuộc đời anh mai sau, như nhìn thấy con đường trải dài trước mặt,
Con đường mà anh sẽ đi, với em, có em,
Rồi đây trên những lối đi này.
Anh sẽ cùng em tay nắm tay…
Và anh nhè nhẹ trở dậy, ra khỏi giường.
Để cho em trong giấc ngủ khỏi giật mình – Anh ra bàn viết ngồi hút thuốc lá. Trong đêm khuya một mình anh ngồi với anh bên bàn viết, tiếng động của thành phố về đêm tắt dần – Thành phố về khuya thiệt êm – Năm đó Saigon chưa có nhiều xe cộ, máy móc, nhiều người như năm nay.
Anh ngồi nhìn về tương lai anh trong đêm khuya, với tiếng thở của em ở sau lưng như tiếng nhạc đệm cho một đoạn phim tình. Tiếng thở bình yên, nhịp nhàng, như tiếng ca trầm tĩnh : « Có em yêu anh. Bao giờ em cũng yêu anh. Em chỉ yêu có mình anh. Anh đừng sợ… Đừng bao giờ sợ ». Như tiếng gió reo, suối róc rách đệm cho những vùng cảnh đẹp.
Anh bật đèn bàn, cầm bút, và tay anh viết nên thơ :
Mùa thu mây trắng xây thành
Tình Em mầu ấy cỏ xanh da trời
Hoa lòng Em có về tươi
Môi Em có thắm nửa đời vì anh ?
Đã lâu lắm anh không làm thơ. Sau một thời gian sống và khổ sở, bỗng dưng nguồn thơ của anh như một dòng suối, chợt cạn, đột ngột khô khan. Tâm hồn anh vẫn còn rung động, nhưng mỗi lần anh muốn làm thơ, mỗi lần anh cầm bút viết thơ, là thơ người khác hiện ra dưới ngòi bút của anh.
Như một buổi sáng nào đó, chợt tỉnh giấc, chôt nhìn ra trời xanh, biết đó là sáng mùa thu và mùa thu đã về, lòng bâng khuâng hồi tưởng kỷ niệm – Kỷ niệm như Henry Miller thấy, dựng lên cao ngất, muôn mầu – bỗng muốn, bỗng thèm làm thơ, tự dưng những vần thơ của Đình Hùng dìu dịu đến, làm anh thấy rằng thơ tả sáng mùa thu và tình yêu như vậy là nhất rồi, anh không còn cần phải làm thơ sáng hôm đó nữa…
Hôm nay có phải là thu
Mấy năm xưa đã viễn du trở về ?
Cảm vì Em bước chân đi
Nước rung mặt ngọc lưu ly phớt buồn…
Một buổi chiều hoàng hôn nào đó, đến trên bến nước một dòng sông, anh nhớ em muốn làm thơ, trong tiềm thức anh những câu thơ nằm sẵn in nếp của Huy Cận :
Người ở phương trời, ta ở đây
Chờ mong phương nọ, nhớ phương này
Chờ mong phương nọ, nhớ phương này
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dậm
Vạn lý sầu lên núi ngất mây
… hiện đến. Hoặc vào những buổi chiều buồn, thất vọng, thương nhớ tiếng nói của em mà không được nghe em nói, thèm khát nhìn ngắm mặt em mà chỉ có thể tưởng nhớ lại em, lại những câu thơ của Huy Cận :
Rồi một buổi đứng chờ người chẳng tới
Ta thấy buồn cùng mọc với trăng sao…
Gió đêm thổi không ngớt niềm thương nhớ
Tình đi mau, sầu ở lại lâu dài
Ta bỗng để hồn tan trong nhip thở
Kêu gọi người thương tiếc nỗi tàn phai…
… hiện đến và từ lâu rồi, anh không làm thơ nữa. Cho đến đêm trăng sáng đó, thức bên em ngủ, anh làm mấy câu thơ cuối cùng của đời anh, những câu thơ cho em. Chỉ bốn câu nhưng chưa bao giờ anh hài lòng đến thế.
Mùa thu mây trắng xây thành
Tình Em mầu ấy cỏ xanh da trời
Hoa lòng Em có về tươi
Môi Em có thắm nửa đời vì anh ?
Kể từ ngày anh viết phóng tác Tiểu thuyết «A kiss before dying » thành « Chiếc Hôn Tử Biệt » trên báo Ngôn Luận, anh ít viết sáng tác. Vì cuốn tiểu thuyết phóng tác của anh được nhiều người theo dõi, ham đọc, nên từ đó đa số chủ báo mỗi lần nhờ anh viết truyện dài, đều nói – «Anh cho một cái phóng tác…» Lâu dần thành ra quen. Anh cứ lấy tiểu thuyết Âu, Mỹ ra phóng tác nên ngại không muốn viết sáng tác. Song, không phải như vậy là anh sáng tác không được. Anh vẫn cảm thấy trong cánh tay anh tiềm tàng một nguồn sinh lực rất mạnh, như có những dòng chữ tiểu thuyết cuồn cuộn trôi trong các thớ thịt của tay anh. Anh vẫn nghĩ và tin rằng trong một ngày nào mai sau anh sẽ sáng tác và anh sẽ viết nhiều. Trong thời gian qua, anh đã hài lòng với việc phóng tác tiểu thuyết – Kể ra cũng phải có học, có tài mới phóng tác được chứ – Không cỏ ngoại ngữ và không có tài viết chữ thành ra truyện thì phóng tác làm sao được.
Ngày anh viết tiểu thuyết Môi Thắm Nửa Đời cho báo Chính Luận trước ngày Từ Chung bị bắn chết, anh đặt tên truyện theo câu thơ « Môi Em có thắm nửa đời vì anh » mà anh đã tặng em. Song, truyện đó không có chút hình dáng, hơi hướng nào của em hết. Truyện đó khác hẳn với truyện này. Truyện này anh viết về em, về mối tình của anh và em – Em sẽ nằm, ngồi, yêu, hờn, thương, giận, thở hít, tắm, ăn uống, cười, khóc, vẽ lông mày, tô son môi, nhổ lông nách, cởi và mặc quần áo, hôn hít, khạc nhổ, chửa đẻ, phá thai, tắm rửa, xức nước hoa trong truyện này – hôm nay, anh muốn viết để trở thành một người viết tiểu thuyết về Tình Yêu của mình, về Vợ mình, nhiều nhất nước, nhiều nhất thế giới.
★
Em yêu dấu, đây chỉ là, mới là đoạn mở đầu cho truyện dài của anh và em, chưa bao giờ anh viết đoạn mở đầu nào dài đến thế này. Dài nhưng không thừa, dài nhưng cần thiết. Cần phải có đoạn mở đầu này để hiểu những mẩu chuyện yêu đương sắp được diễn tả.
Đoạn mở đầu chưa phải là chuyện. Những gì sau đây, những gì sắp được kể tới mấy là chuyện.
Anh muốn thiên nhiên trong truyện của anh và em sẽ êm như tóc em, vì những mùa thu qua trong tình chúng ta đã trong như mắt em. Anh muốn truyện dài của chúng ta là một bản tình ca dài. Trong đó mỗi nét chữ là một vuốt ve, mỗi chấm phết là một hôn hít, mỗi con số là một nụ cười, mỗi vòng chữ là một vòng tay ôm nhau, mỗi trang giấy là một mặt giường nhầu nát in hình thân thể, anh muốn truyện của chúng ta là một cuộc ái ân dài…
***
Bây Giờ Tháng Mấy” của Hoàng Hải Thủy là một tác phẩm tiểu thuyết lãng mạn, sâu lắng, khắc họa một tình yêu đầy nồng nhiệt và sự lãng mạn trong cuộc sống vợ chồng qua những năm tháng chung sống. Tác giả đã dùng ngôn từ một cách tinh tế, đẹp đẽ để mô tả những cảm xúc, những khoảnh khắc bình dị nhưng đầy ắp tình cảm của hai nhân vật chính.
Tóm Tắt: Qua lời kể của người chồng, cuốn sách mở ra bằng những hồi ức về thời gian đầu mới yêu, khi mà tình yêu giữa anh và vợ chưa bị ảnh hưởng bởi những lo toan, bộn bề của cuộc sống. Những kỷ niệm về những đêm trăng mùa thu, vẻ đẹp của người vợ trong mắt chồng, và sự lãng mạn, hạnh phúc trong từng khoảnh khắc được họ chia sẻ cùng nhau, tất cả tạo nên một bức tranh tình yêu đẹp đẽ, lãng mạn nhưng cũng không kém phần sâu sắc và thực tế.
Đánh Giá: “Bây Giờ Tháng Mấy” không chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình yêu giữa hai người, mà còn là bức tranh về hôn nhân, về cách mà tình yêu thay đổi và phát triển qua thời gian. Hoàng Hải Thủy đã thành công trong việc truyền tải những cảm xúc sâu lắng và phức tạp của nhân vật, từ hạnh phúc, ngọt ngào đến những trăn trở, nỗi niềm trong lòng mỗi người. Tác giả đã khéo léo sử dụng ngôn từ để mô tả những cảm xúc tinh tế nhất, khiến người đọc có thể cảm nhận được tình yêu ấy như chính tình yêu của mình.
Cuốn tiểu thuyết còn nêu bật được vẻ đẹp của tình yêu khi xưa và nay, giữa sự lãng mạn, trong sáng của những năm tháng đầu với sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm khi cùng nhau trải qua bao sóng gió của cuộc sống. Đây là một điều mà bất kỳ cặp đôi nào cũng có thể học hỏi và tìm thấy trong cuốn sách này.
Ngoài ra, “Bây Giờ Tháng Mấy” còn là một tác phẩm giúp người đọc suy ngẫm về ý nghĩa của hôn nhân, về cách mà mỗi chúng ta yêu và được yêu, và về việc làm thế nào để giữ cho ngọn lửa tình yêu luôn bừng cháy qua từng năm tháng. Cuốn sách không chỉ mang lại những giờ phút thư giãn mà còn là một nguồn cảm hứng cho tình yêu và cuộc sống hôn nhân.
Tóm lại, “Bây Giờ Tháng Mấy” là một tác phẩm tình cảm đáng giá, một bản tình ca đẹp đẽ dành cho tất cả những ai đang yêu, đã yêu và sẽ yêu.