JEAN-RENÉ HUGUENIN VÀ BÃI HOANG
Một con ong chết.
Nắng xế qua triền cửa sổ.
Mùa hè đổi hướng.
Cummings chết: tôi không buồn. Hemingway, Blaise Cendrars, Hermann Hesse, Faulkner chết: tôi không buồn. Một con ong chết: tôi buồn lắm.
Jean-René Huguenin chết: tôi buồn lắm. Anh mới hai mươi sáu tuổi và chỉ mới xuất bản một tác phẩm: La Côte Sauvage (Bãi hoang) là quyển tiểu thuyết duy nhất của anh. Anh viết tiểu thuyết quá buồn. Nắng chiều. Đêm. Đêm tối.
– Tôi không biết. Anh đã tìm thấy gì?
– Một con ong chết.
Je ne sais pas. Qu’est – ce que vous avez trouvé?
Une abeille morte.
Jean-Rene Huguenin đã viết hai câu trên trong quyển La Côte Sauvage (tr. 57).
Pierre, nhân vật trong quyển ấy, là một chàng trai trẻ rất buồn, một người cô độc, một kẻ ích kỷ không tự thương mình: L’egoiste qui ne s’aime pas (tr. 70). Pierre yêu người em gái của một người bạn thân chàng…
Một hôm, Pierre bỗng tìm thấy một con ong chết trên triền cửa sổ. Et ce fut l’autre versant de l’été, le jour où Pierre découvrit, sur le rebord de sa fenêtre, une abeille morte (tr. 65). Lòng người luân lưu thay đổi như những cây dương xỉ vàng sẫm, như hoa bát tiên chóng tàn, như những ngày xế bóng thoi đưa, như những con ong khô chết. Alors l’évidence éclatait: les fougères brunissaient, les hortensias se fanaient, les jours déclinaient plus vite, les abeilles mouraient – c’était l’autre versantde l’été (tr. 65).
Ừ, hỏi làm gì? Đời là ngộ nhận triền miên. Người làm gì biết được. Mỗi người là một vạn lý trường thành, chắn lại hết giao thông. Người làm gì hiểu được ta. Ngộ nhận chân lý: chắc người không hiểu tôi đã tìm thấy gì trên triền cửa sổ vào buổi sáng nay?
Vous ne savez pas ce que j’ai trouvé ce matin sur le rebord de ma fenêtre?(tr. 66).
* * *
Năm 1962, báo Pháp đăng tin rằng Jean-René Huguenin đụng xe chết. Như James Dean, Albert Camus.
Tôi giở lại quyển La Côte Sauvage và tình cờ gặp lại một đoạn văn như sau:
– Người ta không chết vì buồn chán.
– Không, không phải vì buồn chán. Mà không vì một căn cớ nào. Tôi sẽ chết như vậy, không một căn cớ nào.
On ne meurt pas d’ennui.
Non, pas d’ennui. De rien… Je mourais comme çà, de rien. (tr. 86).
Jean-René Huguenin sinh ngày 1 tháng 3 năm 1936 tại Paris, bắt đầu viết văn hồi còn rất nhỏ, viết báo vào năm 18 tuổi, xuất bản quyển La Côte Sauvage vào năm 24 tuổi và chết ở tuổi 26.
* * *
Nhân vật chính của La Côte Sauvage là Olivier. Chàng đi quân dịch vài năm rồi được giải ngũ trở về sống lại với gia đình.
Gia đình chàng chỉ gồm có mẹ, chị và em gái. Quê hương chàng buồn lắm. Biển. Gió. Đá cuội. Sương mù. Olivier rất yêu em gái, nhưng không thích chị. Sau hai năm nhập ngũ, lúc trở về lại đời sống bình thường, Olivier thay đổi. Chàng cảm thấy cô đơn dị thường. Đứa em gái chàng tên là Anne, chàng thương Anne ngay từ thuở bé thơ. Bây giờ chàng được tin em sắp lấy chồng; chồng Anne là bạn thân của chàng, tên Pierre. Pierre và Anne đầm ấm xoắn xuýt nhau. Olivier cô đơn. Olivier định ngăn cản đám cưới. Những thoáng nhìn, những câu hỏi xa xôi, những cử chỉ thông thường của Olivier đã khiến Pierre buồn nhiều. Pierre chán nản. Một dạo, Olivier cũng khiến Anne chán Pierre. Olivier vẫn muốn Anne sống mãi bên cạnh chàng. Tại sao thế? Thực khó trả lời. Sau cùng, Pierre và Anne vẫn lấy nhau. Họ dẫn nhau đi Paris và Tây Ban Nha. Chỉ còn Olivier ở lại sống cô đơn.
Quyển La Côte Sauvage đưa tôi vào nỗi cô đơn mênh mông của Olivier, của Pierre. Lối văn của Huguenin rất ngắn và giản dị. Tôi đã đọc quyển La Côte Sauvage đến hai lần. Thế mà tôi không thể nào viết nhiều về quyển này vì La Côte Sauvage là một quyển sách để đọc, cảm và im lặng. Chúng ta đã tìm được sao mai rồi?
PHẠM CÔNG THIỆN
***
Bãi hoang là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Jean – Rene. Xoay quanh câu chuyện của Oliver, Pirre, và Anna, những tâm tình sâu kín của tuổi trẻ mênh mang được biểu hiện sâu sắc.
Jean – Rene Huguenin viết Bãi hoang khi anh 24 tuổi.
Hai năm sau, anh mất vì tai nạn giao thông. Anh lưu dấu lại cuộc đời ở tuổi 26, mãi mãi tuổi hoa niên.
Ở Pháp. Mùa hè. Trên những bãi biển. Hoàng hôn. Bình minh. Những bữa tiệc trà. Những buổi đi dạo. Những nhân vật của Bãi hoang loanh quanh trong cái khoảng không gian mùa hè bao trùm ấy.
Không khí mùa hè ấy từng khiến Meursault vô thức giết người (Người xa lạ, Albert Camus); Aschenbach chết trong trạng thái mê man đẹp đẽ (Chết ở Venice, Thomas Mann)… Trong mùa hè, Elio Perlman và Oliver đã sống rực rỡ bên nhau trong tình yêu (Gọi em bằng tên anh, đạo diễn Luca Guadagnino); François và Maïté đã trải qua những xúc cảm nổi loạn trước ngưỡng cửa trưởng thành (Những cành lau dại, đạo diễn André Téchiné)…
Ở Bãi hoang của Jean – Rene, Oliver là người lính giải ngũ từ Paris trở về quê nhà sống với gia đình, có mẹ, em gái và chị gái. Oliver sống mùa hè trẻ tuổi cuối cùng bên cạnh người yêu dấu của riêng mình.
Anne là người yêu dấu của Oliver. Tình cảm giữa họ không giống như những tình cảm anh trai em gái thông thường. Jean – Rene bằng ngòi bút văn chương tinh tế, dịu dàng của mình đã gợi ra nhiều khoảnh khắc tuyệt đẹp của Anne và Oliver. Họ sát gần nhau, thì thầm với nhau, họ an ủi nhau, trách hờn nhau, nhưng ở đó, dưới ánh hoàng hôn của bãi biển, khi mặt trời dần xuống, họ lặng lẽ đi bên cạnh nhau, như đan cài trong nhau.
Khi hay tin Anne sắp kết hôn với Pierre, người bạn thân nhất của chàng, Oliver hoang mang, chàng đóng mình trong tình cảm của chính bản thân.
Hai người thương mến ấy bỏ chàng lại quê nhà buồn bã, bên bờ biển vắng lặng, để đi Paris, đi Tây Ban Nha. Họ kết hôn. Chỉ còn lại Oliver, buồn bã, cô đơn, và đợi chờ. Cho đến những trang cuối cùng của cuốn sách, biển vẫn mênh mang ngoài kia, cùng Oliver mỏi mệt.
Cốt truyện giản đơn, nhưng đượm không khí hư ảo của mùa hè, với những gặp gỡ và tan rã, Jean – Rene đã tạo nên tiểu thuyết đẹp đẽ vô cùng.
Khung cảnh ba người trẻ tuổi ở bên cạnh nhau, trên bãi biển, cảm giác “luôn tránh làm tổn thương nhau, làm mất đi sự đồng tình tế nhị”, cũng đã diễn tả được một vòng tròn ba người vừa gắn bó, vừa thân tình, vừa sợ sệt.
Khung cảnh mờ nhòe bởi lớp mù sương của thời gian, của kỷ niệm càng dễ tạo được sự cảm động đối với độc giả. Theo dõi bóng dáng Anne, Pierre và Oliver bên nhau, tưởng như họ vừa có mặt ở đây (hiện tại), vừa có mặt ở đó (quá khứ). Thế giới của họ, thật mơ hồ như những ảnh hình trong nắng chói mùa hè.
Khi mùa hè gần tàn, chỉ còn Oliver ở lại quê nhà. Khi ấy, chàng nghĩ gì chăng? Chàng có còn buồn vì “một con ong mới chết”, hay chàng vẫn buồn vì “mùi hương” Anne đã rời bỏ chàng hẳn rồi.
Dẫu mùa hè đã đi qua, người yêu đã xa lìa nhưng trong mộng tưởng của Oliver, Anne ngự trị ở đó, hệt như lời William Shakespeare đã viết trong bài thơ Sonnet số 18 của mình: “But thy eternal summer shall not fade” (Chỉ mùa hạ của nàng không chút hư phai). Anne trong tâm hồn Oliver, sẽ mãi lấp lánh ở đó, mặc mùa hè trôi đi.
Bãi hoang của Jean – Rene không phải nhấn ý vào tình cảm loạn luân. Tình cảm giữa Oliver và em gái Anne, là thứ tình cảm thuần khiết, như sự gắn kết tự nhiên của đất trời.
Jean –– Rene chết trẻ quá. 26 tuổi, trẻ như mãi mãi tuổi 20. Anh chỉ có một tác phẩm để lại. Jean – Rene cũng giống như Alain Fournier, tử trận khi 27 tuổi, với cuốn tiểu thuyết duy nhất, Kẻ lãng du.
Bãi hoang và Kẻ lãng du đều là những mộng mơ tuyệt đẹp của tuổi trẻ, với những tình cảm thênh thang về tình bạn, tình yêu, về mộng ước. Nhưng nếu Kẻ lãng du, Meaulnes chìm đắm trong cuộc phiêu lưu quyến rũ, với nhiều thi vị, thì Oliver của Bãi hoang tự ấp ủ mình trong nỗi cô đơn buồn bã. Một nỗi buồn thật thanh tân của Kẻ lãng du, hay một nỗi buồn ngập tràn cô độc của Bãi hoang, đều khiến tuổi trẻ trở thành dấu vết rực rỡ.
Hai nhà văn trẻ tuổi tạo nên hai nhân vật trẻ tuổi, dẫu họ đã từ biệt cõi tạm này rồi, nhưng tuổi trẻ của họ, Oliver và Meaulnes, độc giả không thể nào quên.
Bãi hoang được viết bằng ngôn ngữ văn chương giản dị, ngắn gọn, nhưng đẫm chất tình thơ. Chàng tác giả trẻ tuổi đã thực sự dụng công trong việc trau chuốt ngôn từ, dùng ngôn từ để bộc bạch, nâng niu những rung động của tâm tư Oliver, Anne hay Pierre.
Bản tiếng Việt của Bãi hoang do dịch giả Huỳnh Phan Anh chuyển ngữ. Một tác phẩm dịch xuất sắc. Bản dịch cô đọng, súc tích, với tiếng Việt tinh hoa được chắt lọc tinh tế, cẩn trọng.
Huỳnh Phan Anh đã dịch nhiều tác phẩm kinh điển nổi tiếng như Tình cuồng (Raymond Radiguet, dịch chung với Nguyễn Nhật Duật), Tình yêu và lý tưởng (Thomas Mann), Tình yêu và tuổi trẻ (Valery Larbaud), Thời gian của một tiếng thở dài (Anne Philipe), Lạc lối về (Heinrich Boll)… Ngoài dịch thuật, ông còn viết phê bình, nghiên cứu, làm báo, viết văn, và mảng nào cũng để lại dấu ấn quan trọng.
Thủy Nguyệt
Mời các bạn đón đọc Bãi Hoang của tác giả Jean-René Huguenin & Huỳnh Phan Anh (dịch).