Bão Thép – Tiểu thuyết viết về Binh chủng Tăng thiết giáp, gồm có:
+ Tập 2 – Áp thấp Đường số 9 ( 2010 )
+ Tập 3 – Tâm bão ( 2011 )
+ Tập 4 – Trận cuồng phong ( 2012 )
Với tầm mắt nhìn xa trông rộng, ngay sau khi kết thúc thắng lợi chín năm kháng chiến chống Pháp, nửa nước được độc lập, tự do Đảng và Bác Hồ kính yêu đã nghĩ đến việc xây dựng một quân đội chính quy, hiện đại, đủ sức cùng toàn dân hoàn thành nhiệm vụ giải phóng nửa nước thân yêu và bảo vệ vững chắc độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong bối cảnh đó gần ba trăm cán bộ, chiến sĩ từ khắp các đơn vị đã được tuyển chọn để cử đi nước ngoài học tập về xe tăng, thiết giáp, một binh chủng hiện đại của lục quân. Và ngày 5 tháng 10 năm 1959 trung đoàn xe tăng đầu tiên của QĐNDVN đã được thành lập tại Quế Lâm, Trung Quốc. Đúng 17 giờ ngày 13 tháng 7 năm 1960 những chiếc xe tăng đầu tiên của QĐNDVN đã lăn vết xích đầu tiên trên Đất Mẹ thân yêu. Từ giờ phút đó bộ đội xe tăng đã có mặt trong đội ngũ điệp trùng của LLVT, cùng các quân binh chủng bạn thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của LLVT cách mạng.
Với những ưu việt của mình, ngay từ khi mới ra đời xe tăng thiết giáp đã được xác định là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan phải sau gần 10 năm thành lập, trải qua những cuộc đấu tranh rất gay gắt về quan điểm lực lượng TTG Việt Nam mới ra quân và đánh thắng trận đầu ở Tà Mây- Làng Vây tháng 2 năm 1968. Chiến thắng oanh liệt này đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử chiến tranh Việt Nam và dựng xây lên truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng” của binh chủng TTG.
Những năm tiếp theo xe tăng thiết giáp đã từng bước khẳng định vị thế của mình trong các chiến dịch Đường Chín- Nam Lào, Cánh Đồng Chum năm 1971 và Quảng Trị, Tây Nguyên, Nam Bộ năm 1972. Từ đó binh chủng TTG đã có sự phát triển lực lượng vượt bậc, lớn nhanh như Phù Đổng, có mặt trên khắp các chiến trường. Cho đến cuộc Tổng tiến công nổi dạy Mùa Xuân 1975 Tăng Thiết giáp đã tham gia ngay từ trận mở màn ở Buôn Ma Thuột, các chiến dịch Huế- Đà Nẵng, Phan Rang- Hàm Tân và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong chiến dịch này TTG- như một cơn bão của thép và lửa- đã dẫn đầu 5 cánh quân tiến công Sài Gòn, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng Tư năm 1975 hai chiếc xe tăng 843 và 390 đã húc tung cánh cổng Dinh Độc Lập, đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Dinh, chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 thay mặt Quân giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của chính phủ ngụy quyền Dương Văn Minh, viết nên trang sử hết sức hào hùng và oanh liệt.
Cuốn sách được viết ra nhằm tái hiện quá trình phát triển và trưởng thành của binh chủng TTG trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc ta. Thông qua đó ngợi ca tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng dũng cảm vô song và tinh thần lao động sáng tạo không ngừng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ xe tăng Việt Nam. Đồng thời cũng góp phần làm sáng tỏ một nguyên lý: “vũ khí dù có hiện đại đến đâu cũng chỉ giữ vai trò quan trọng, còn quyết định vẫn là những con người sử dụng vũ khí đó”.
Năm 2009 là năm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập binh chủng TTG, đồng thời cũng là năm kỷ niệm 65 năm thành lập QĐND Việt Nam. Cuốn sách này do một chiến sĩ xe tăng viết ra như một lời tri ân với Đảng, Bác Hồ, với các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp nên truyền thống vẻ vang của binh chủng Tăng Thiết giáp, như một nén tâm nhang thắp cho những đồng đội đã hy sinh và cũng là món quà đối với tất cả những ai yêu mến binh chủng “Thép” anh hùng.
Biết tư lệnh Đào đã mấy năm không ăn Tết cùng gia đình nên chính ủy Sính gợi ý năm nay ông nên nghỉ mấy ngày phép vào dịp Tết. Trước thiện ý của người đồng cấp, ông Đào vui vẻ nhận lời. Ông dự định sẽ xin nghỉ phép trước Tết độ một tuần, đến Mồng Hai sẽ lên cơ quan trực thay cho các đồng chí khác đi nghỉ. Một phần vì đã lâu ông được ăn Tết cùng gia đình. Một phần vì thằng Hưng, cái thằng con nuôi của ông bà dạo vừa rồi bất ngờ viết thư lên thông báo với bố là ra Tết sẽ nhập ngũ. Cái thằng này ngày bé xanh xao, còi cọc lắm nhưng hai năm nay lớn phổng hẳn lên, trông cũng ra dáng đàn ông ra phết. Việc nó tự giác đi khám sức khỏe và chấp hành mọi quyết định của địa phương làm ông thấy phấn khởi. Như thế nghĩa là nó cũng biết nghĩ, biết bổn phận của mình với đất nước. Thực tình, bố con ông cũng ít khi nói chuyện với nhau nhưng ông tin rằng chính sự giáo dục bằng tấm gương của bản thân mình còn hơn vạn lần những câu giảng giải lý thuyết suông. Chuyện nó nhập ngũ ông cũng không có ý kiến gì, cũng chẳng tác động với địa phương hay xin cho nó về đơn vị mình. Ông muốn con đi lên bằng chính đôi chân của mình, không phải dựa dẫm vào ai. Và bước đầu nó đã làm được như vậy.
Bà Hạnh thì không quan tâm nhiều lắm tới những chuyện xa xôi đó. Nó lớn rồi thì nó phải đi. Nó đi bộ đội thì cũng như cha nó, như biết bao thanh niên trai tráng ở cái làng này, ở đất nước này. Chỉ biết Tết này ông ấy được nghỉ hẳn một tuần và cả nhà đoàn tụ là bà vui rồi. Ngay từ hôm biết ông về ăn Tết bà đã đăng ký với ông anh họ xin đụng hẳn một góc con lợn hơn bốn chục cân. Gạo nếp, đỗ xanh, măng miến… cũng đã chuẩn bị đủ cả. Bà muốn cái Tết này phải thật tươm tất. Mọi năm ông ấy đi vắng, chỉ có mấy mẹ con ở nhà thì đơn giản một chút cũng được. Còn năm nay dứt khoát phải đàng hoàng hơn.
Về nhà, thấy bà săm sắn chuẩn bị Tết ông cũng thấy vui vui. Cho đến lúc này ông mới thấy để chuẩn bị cho cái Tết của một gia đình không hề đơn giản một chút nào. Thời buổi chiến tranh, cái gì cũng khó kiếm, có thứ bà phải tích trữ từ mấy tháng trước rồi. Thằng Hưng thì đang bận đi thăm và chia tay bạn bè để chuẩn bị lên đường. Mấy đứa con gái thì mắt trước, mắt sau nhấp nhỉnh lên chợ thị trấn chơi. Thấy các con như vậy, ông bảo chúng cứ đi đi, năm nay đã có bố về, có việc gì bố sẽ làm cho. Nói như vậy, nhưng đến lúc vào việc thì ông cứ lúng ta, lúng túng như gà mắc tóc. Có bó giang bà bảo ông chẻ lạt gói bánh mà loay hoay mãi, được một bó lạt thì trăm cái lẹm cả chín chục. Bảo ông đi xiết đỗ thì đỗ cứ lăn lung tung, hạt vỡ vụn, hạt lại còn nguyên trông đến chán. Cuối cùng bà giao cho ông mỗi việc rửa lá dong. Ông vừa ngồi tỷ mẩn rửa lá, vừa nhìn bà tất bật đãi gạo, thổi đỗ, ướp thịt… vừa lẩm bẩm: “Thì ra, để làm được một cái bánh chưng thơm ngon, béo ngậy mà ông vẫn ăn ấy lại phức tạp đến thế. Cả một quy trình khép kín không thể bỏ qua một công đoạn nào”. Nghĩ đến đây, chợt ông nhớ lại hồi mới đi học lái xe tăng. Quy tắc lái thì học thuộc lòng rồi, bất cứ yếu lĩnh nào cũng phải thực hiện hàng loạt các động tác, thao tác theo một thứ tự nhất định. Nổ máy thì 13 thao tác. Khởi xe thì 5 thao tác v.v… Ấy thế nhưng anh em nhà ta lại hay khôn vặt, chỉ nhăm nhăm “ăn cắp động tác”. Chả là làm như thế thì vừa nhanh, đạt chỉ tiêu về thời gian vừa đỡ mệt. Trợ giáo của bạn nhắc mãi vẫn không chừa. Thế rồi, hiệu quả nhãn tiền của cái trò làm tắt ấy đã hiển hiện. Trong một lần lái xe, quy định khi sang số phải đạp “hai ly hợp” nhưng lính ta chỉ đạp một lần và kết quả là cái hộp số vỡ tung. Thế mới biết không phải ngẫu nhiên mà người ta lại đề ra cả một mớ quy trình, quy phạm rắc rối đến thế. Sau đận ấy, đoàn phải họp và ra nghị quyết kiên quyết chống làm bừa, làm ấu, chấp hành nghiêm mọi quy định trong quy tắc sử dụng trang bị. Nghĩ đến đây, ông bật cười. Thấy ông cười, bà ngẩng lên nhìn rồi nhăn nhó: “Rửa như ông thì ăn cả đất à”. Rồi bà nhặt lấy một cái lá, hướng dẫn ông từng động tác lau sao cho sạch mà không bị rách. Ông chỉ biết cười rồi lẩm bẩm: “Phức tạp đến thế kia à?”. Đúng là cả đời làm lính nên những việc thông thường nhất ông cũng không biết.
…
Mời các bạn đón đọc Bão Thép của tác giả Nguyễn Khắc Nguyệt.