Ở thời điểm hiện tại, có 3 cuốn sách tôi chưa “can đảm” đọc lại lần nữa trong tương lai, 3 cuốn đó, là: Mắt Biếc (Nguyễn Nhật Ánh), Tình nhỏ làm sao quên (Đoàn Thạch Biền) và Mười ba lý do (Jay Asher).
Tôi chạm đến những trang gây “ám ảnh” với chính mình vào ngày “thất tịch” (mồng 7-7), buổi trưa trời đương nắng bỗng mưa ào xuống, rồi thôi… Rạng sáng, trời mưa lớn, kéo dài, như đã thấm bao ẩn ức chất chứa bấy lâu và chực vỡ òa sau thời khắc gặp nhau ấy; tôi giật mình bởi tiếng động, hồi tưởng về nhân vật trong câu chuyện, tôi nặng lòng lắm!
Ngưu Lang – Chức Nữ dẫu mỗi năm chỉ gặp được một lần, ít ra họ còn được nhìn thấy nhau; nhưng hai nhân vật chính trong “MƯỜI BA LÝ DO” mãi mãi chẳng thể nghe giọng nhau, cùng trò chuyện hay thấy nhau nữa…
Tôi chợt nhớ dòng trạng thái người quen đăng trên mạng xã hội:
“Cuộc đời này vô thường lắm, có lỡ thương ai, nhớ ai thì cứ nói đi, biết còn được gặp nhau bao nhiêu lần nữa đâu… Ngại ngùng không nói, thờ ơ không nói, vô tâm không nói… Để rồi, muốn nói thì chẳng còn ai nghe nữa rồi!”
Và, chúng ta sẽ chẳng thể biết rằng, phút giây bất chợt, có khi ta là điểm tựa, là “phao cứu sinh” tinh thần mà đối phương trông ngóng để trút hết những tâm sự thầm kín nhất đời mình. Một ánh mắt, một lời ủi an đúng lúc là liều thuốc tinh thần kịp thời vực dậy ý chí lịm dần giữa đại dương tuyệt vọng chỉ chực nhấn chìm người nặng mang ý nghĩ tiêu cực…
*
13 mặt, 7 cuộn băng – 13 lý do như lời trăn trối của Hannah Baker trước khi tự sát. Cô đã thu âm số băng này gửi những nhân vật có liên quan và “yêu cầu” họ chuyển tiếp số băng trên đến những đối tượng khác là một phần của 13 lý do trên. Nếu ai đó làm trái luật, một bộ băng khác sẽ được phát hành ra công chúng. Nhân vật tôi “Clay” ngoài nghe hết 13 mặt băng, cậu còn đi đến những địa điểm được Hannah đánh dấu trên bản đồ, như một cách tưởng niệm người bạn quá cố, như một cách hình dung câu chuyện Hannah kể lại.
*
Cuốn sách gợi cho tôi khá nhiều suy tư:
Về phía Hannah Baker:
Thứ 1, cô có quá “ích kỷ” và “tàn nhẫn” lắm không khi nêu tên 13 người trong cuộn băng cùng lý do khiến cô tự sát, như ngầm đeo quả tạ nặng lên vai đảo lộn cuộc sống họ mà họ không được một lần đính chính và xác tín từng chi tiết xuất hiện trong câu chuyện.
Thứ 2, cô bất công lắm không khi “quy kết” toàn bộ việc mình tự vẫn cho thầy tâm lý (tôi lờ mờ phán đoán thế).
.
Về phía Clay Jensen:
Giá như anh “lì lợm”, chịu “chai mặt” một chút, không “nghe lời” Hannah bỏ về mà nán lại, rồi ôm cô vào lòng mặc cô đẩy anh ra xa thì có thể anh sẽ không phải nghe cuộn băng nói về mình trong nước mắt, dẫu Hannah nói về anh chỉ những điều tốt đẹp.
Giá như Clay cứng rắn hơn, quyết đoán hơn tìm hiểu tin đồn thay vì im lặng, chết nhát để rồi giờ đây tự dày vò mình.
.
Và, về phía chúng ta; những người làm công tác giáo dục, những bạn học sinh – sinh viên, những con người bình thường trong cuộc sống:
Có bao giờ chúng ta từng “kết tội” người tự sát chưa?
Có bao giờ mọi người to nhỏ hoặc nhìn đối phương với ánh mắt khinh rẻ thông qua tin đồn mình nghe được về họ chưa?
Có bao giờ chúng ta hứng chí lập một danh sách trêu đùa cá nhân bởi vẻ bề ngoài họ có phần “nổi bật” (như thừa cân, số đo 3 vòng…) chưa?
Có bao giờ chúng ta tự bào chữa cho hành động đùa quá trớn vô thưởng vô phạt của mình bằng câu chống chế “Vui mà, sao căng vậy…” chưa?
Có bao giờ chúng ta lên tiếng tố cáo những việc làm vi phạm pháp luật để bảo vệ chính mình và bảo vệ người khác chưa?
Có bao giờ chúng ta bàng quan chuyện ấy không liên quan đến mình và tốt nhất không nên dây vào tránh rắc rối chưa?
…
Câu chuyện đặt ra rất nhiều vấn đề trong môi trường giáo dục quá cởi mở như nước Mỹ, từ đó dẫn đến các vấn nạn, như: sử dụng chất kích thích và gây tai nạn khi lái xe, hiếp dâm,…
*
Tôi vẫn thường nói, thời chúng ta đang sống là “thế kỷ cô đơn.” Nhịp sống mỗi ngày thúc hối, công nghệ chi phối con người,… mỗi cá thể tự dựng xây ốc đảo giam hãm mình, sẽ đến một ngày, cá thể không thể tiếp tục chịu đựng và tự kết liễu đời mình.
Mãi đến phút cuối, Clay mới thực sự vượt qua bức tường thỏ đế bản thân tạo nên, tiếp cận đối tượng mà anh sợ sẽ rơi vào hoàn cảnh như Hannah Baker, cứ để quả cầu tuyết lăn mãi và đến lúc buông xuôi cho chúng cuốn mình…
Cảm ơn Jay Asher đã viết “MƯỜI BA LÝ DO” – cuốn sách đầu tay đầy tinh thế, xoáy vào chủ đề quen thuộc dẫu tồn tại quanh chúng ta nhưng ít tác giả đề cập.
Qua “MƯỜI BA LÝ DO”, tôi mong mọi người quan tâm và hiểu nhau hơn, để không còn trường hợp đau lòng nào như Hannah Baker nữa…
“Anh?” cô nhân viên nhắc lại. “Anh muốn chừng nào nó đến nơi?”
Tôi lấy hai ngón tay gãi mạnh lông mày mắt trái. Đầu tôi càng ngày càng nhức. “Sao cũng được,” tôi bảo.
Người nhân viên nhận gói bưu kiện. Cái hộp giày đó cũng chính là cái hộp giày đã nằm trước thềm cửa nhà tôi hai mươi bốn tiếng trước; nó đã được tôi gói lại trong một cái túi giấy màu nâu và dán kín bằng băng keo trong, y như lúc tôi nhận được. Nhưng giờ thì địa chỉ nó sắp đến lại là một cái tên khác. Cái tên tiếp theo trong danh sách của Hannah Baker.
“Một tá của thợ bánh,(*)” tôi lẩm bẩm. Rồi lại thấy tởm vì như vậy cũng nghĩ ra được.
“Anh nói gì cơ?”
Tôi lắc đầu. “Hết bao nhiêu vậy?”
Cô ta đặt chiếc hộp lên một tấm đệm cao su, sau đó gõ liên tục trên bàn phím.
Tôi đặt cốc cà phê mua ở cây xăng lên thành quầy và ngó vào màn hình. Tôi móc vài tờ tiền từ trong ví ra, lục vài xu trong túi, rồi đặt chúng lên quầy.
“Tôi nghĩ cốc cà phê đó chưa ép phê đâu,” cô nhân viên nói. “Anh đưa thiếu một đô la.”
Tôi đưa thêm một đô la, rồi dụi mắt cho tỉnh ngủ. Cà phê còn âm ấm khi tôi làm một ngụm, nên lại càng khó uống hơn. Nhưng dù thế nào tôi cũng phải tỉnh.
Hoặc có lẽ không. Có lẽ tốt nhất tôi nên nửa tỉnh nửa mơ cho đến hết ngày. Có lẽ đó là cách duy nhất để tôi trụ qua hết ngày hôm nay.
“Đúng lịch thì ngày mai cái hộp đến nơi,” cô ta nói. “Hoặc mốt.” Rồi thả cái hộp vào chiếc xe đẩy đằng sau.
Đáng lẽ tôi nên chờ tới sau giờ học. Tôi nên để Jenny tận hưởng ngày yên bình cuối cùng của cậu ta mới phải.
Dù cậu ta chẳng đáng để tôi làm vậy.
Khi về tới nhà ngày mai, hoặc mốt, cậu ta sẽ thấy một bưu kiện trước thềm cửa nhà mình. Hoặc nếu bố, mẹ hay ai đó nhận thư trước thì có thể cậu ta sẽ thấy chiếc hộp nằm trên giường mình. Và cậu ta sẽ phấn khích. Tôi cũng đã phấn khích đấy. Một bưu kiện không đề tên người gửi à? Họ quên đề tên, hay là cố ý? Có thể từ một người hâm mộ bí mật chăng?
“Anh có muốn lấy hóa đơn không?” cô nhân viên hỏi.
Tôi lắc đầu.
Dù vậy, cái máy cũng in ra một tờ hóa đơn. Tôi nhìn cô nhân viên xé dọc rìa răng cưa nhựa của máy in rồi quăng tờ giấy vào thùng rác.
Trong thị trấn có độc một bưu điện. Không biết có phải chính cô nhân viên này cũng là người nhận cái hộp giày này từ những người khác trong danh sách không, những người nhận được nó trước tôi. Rồi bọn họ có giữ hóa đơn như vật lưu niệm bệnh hoạn không? Giấu chúng vào ngăn đồ lót? Ghim chúng lên một tấm bảng?
Suýt nữa tôi đã xin lại tờ hóa đơn rồi. Suýt nữa tôi nói, “Em xin lỗi, cho em xin lại hóa đơn được không?” Để về sau có thứ nhắc tôi nhớ chuyện này.
Nhưng nếu muốn có thứ nhắc nhớ mình thì tôi đã đi sao lại số băng cát sét hoặc giữ lại tấm bản đồ rồi. Nhưng tôi không bao giờ muốn nghe lại đống băng đó nữa, dù giọng cậu ấy sẽ còn vang mãi trong đầu tôi. Và những ngôi nhà đó, những con phố đó, và ngôi trường cấp ba đó sẽ luôn luôn còn đó để nhắc tôi nhớ về chuyện này.
Giờ thì hết làm gì được nữa rồi. Bưu kiện đã trên đường gửi đi. Tôi ra khỏi bưu điện mà không lấy hóa đơn.
Sâu bên trong chân mày mắt trái, đầu tôi vẫn nhức. Mỗi ngụm nước bọt tôi nuốt đều có vị chua, và càng gần đến trường, tôi càng thấy mình sắp ngã gục.
Tôi muốn gục ngã. Tôi muốn ngã xuống ngay vỉa hè đằng kia rồi lết thân mình vào trong đám thường xuân đó. Vì ngay bên kia bụi thường xuân, vỉa hè uốn cong, men theo rìa ngoài bãi đỗ xe của trường. Rồi nó cắt xuyên qua bãi cỏ trước, tiến vào tòa nhà chính. Nó đi xuyên qua cửa chính và nhập vào hành lang, ngoằn ngoèo giữa những dãy tủ đồ và lớp học ở hai bên, rồi cuối cùng dẫn vào cánh cửa luôn để mở của tiết học thứ nhất.
Phía trước lớp, đối diện với học sinh, sẽ là bàn của thầy Porter. Thầy ấy sẽ là người cuối cùng nhận được gói bưu kiện không có tên người gửi. Và ở giữa phòng, dịch qua bên trái một bàn, sẽ là bàn của Hannah Baker.
Không người ngồi.
(*) Một tá của thợ bánh, hay Baker’s dozen, có nghĩa là 13 chứ không phải 12 như nghĩa thường của một tá. Cụm từ này được cho là có nguồn gốc từ thời Trung cổ ở Anh. Thời đó, giá bán bánh mì được quy định phải dựa theo giá của bột mì, thợ bánh nào bán thiếu cân sẽ bị trừng phạt. Và vì bánh mì được tính theo cân bột chứ không phải số lượng nên để tránh thiếu cân, các thợ bánh thường cho thêm vào một hoặc hai ổ bánh giống hệt mỗi khi bán ra một tá bánh. Họ Baker của Hannah cũng có nghĩa là thợ làm bánh.
Mời các bạn mượn đọc sách Mười Ba Lý Do của tác giả Jay Asher & Tuấn Phúc (dịch).